site hit counter
HỘI ĐỒNG HỌ TRƯƠNG VIỆT NAM
DOANH NGHIỆP XÃ HỘI VỚI NGHĨA TRI ÂN
08/03/2015 Tác giả: Thanh Tùng Lượt xem: 4173
(Các bài viết khác của tác giả Thanh Tùng)
Mùa xuân mới đang về trong không khí cả nước tưng bừng chào đón năm Ất Mùi với bao dự định, niềm tin và sự hứng khởi được kỳ vọng cho những đổi thay. Năm qua, khủng hoảng và suy thoái kinh tế thế giới đã ảnh hưởng lớn đến cộng đồng doanh nghiệp trong nước. Bên cạnh những khó khăn, chúng ta lại thấy sự khởi sắc và nỗ lực không ngừng để khẳng định chỗ đứng của mình và mở ra nhiều cơ hội cho người nghèo, cải thiện môi trường, cung cấp các sản phẩm, dịch vụ mang tính sáng tạo phù hợp với nhu cầu của đời sống thực tiễn, đưa ra các giải pháp mới cho việc giải quyết các vấn đề về năng lượng thay thế, tái chế, biến đổi khí hậu. Đó chính là doanh nghiệp xã hội.

Khái niệm doanh nghiệp xã hội đã được luật hóa và luôn được giới truyền thông đặc biệt quan tâm trong thời gian qua. Xuất phát từ mong muốn làm tốt hơn nữa để cải thiện đời sống, đóng góp nhiều việc làm thiết thực, có ý nghĩa cho cộng đồng, loại hình doanh nghiệp xã hội ra đời là một tất yếu.

Bởi tính đa dạng và phức tạp của lĩnh vực mới này, hiện chưa có định nghĩa thống nhất về doanh nghiệp xã hội, mà khái niệm này được phát triển tùy vào điều kiện ở từng địa phương và dưới góc độ nhìn nhận cũng khác nhau. Nhìn chung, doanh nghiệp xã hội thực hiện mục tiêu tối cao là phát triển xã hội hay bảo vệ môi trường thông qua việc sử dụng phương thức hoạt động như một doanh nghiệp. Tùy theo từng quốc gia, doanh nghiệp xã hội có thể có các hình thức pháp lý khác nhau: tổ chức phi chính phủ, tổ chức từ thiện, hợp tác xã hay các doanh nghiệp tư nhân. Khác với các doanh nghiệp thông thường, doanh nghiệp xã hội được thành lập và hoạt động không vì mục đích lợi nhuận. Nhưng điều đó không có nghĩa rằng, doanh nghiệp xã hội kinh doanh không có lợi nhuận. Ngược lại, chủ sở hữu doanh nghiệp, người quản lý và doanh nghiệp xã hội được tạo điều kiện thuận lợi hoặc xem xét đặc cách trong việc cấp giấy phép, chứng chỉ và giấy chứng nhận có liên quan theo quy định của pháp luật. Bên cạnh đó, doanh nghiệp xã hội còn được hưởng chế độ ưu đãi và khuyến khích đầu tư theo quy định; được huy động và nhận tài trợ dưới các hình thức khác nhau từ các cá nhân, doanh nghiệp, tổ chức phi chính phủ và các tổ chức khác của Việt Nam và nước ngoài để bù đắp chi phí quản lý và chi phí hoạt động của doanh nghiệp.

Lần đầu tiên, Luật Doanh nghiệp sửa đổi (dự thảo) đã công nhận doanh nghiệp xã hội về mặt pháp lý. Theo khoản 1, điều 11 của Dự thảo, doanh nghiệp xã hội là doanh nghiệp được thành lập và hoạt động với tôn chỉ và mục đích giải quyết một hoặc một số vấn đề xã hội và môi trường; ít nhất 51% tổng lợi nhuận hàng năm của doanh nghiệp được sử dụng để tái đầu tư nhằm giải quyết các vấn đề xã hội, môi trường đã đăng ký.

Mặc dù doanh nghiệp xã hội đã được thừa nhận về mặt pháp lý trong Dự thảo, nhưng vẫn còn đó những khó khăn. Ngoài chi phí kinh doanh như các doanh nghiệp thông thường, doanh nghiệp xã hội còn phải gánh thêm chi phí xã hội, nên loại hình doanh nghiệp này cần thời gian lâu hơn để sản sinh ra lợi nhuận. Với đặc thù là không vì mục tiêu lợi nhuận, lại kinh doanh trên các thị trường có rủi ro cao, lợi suất tài chính thấp, nên không hấp dẫn các nhà đầu tư thương mại. Do đó, khả năng tiếp cận, huy động các nguồn vốn đầu tư thương mại, kể cả nguồn vốn khởi sự hoặc vốn cho phát triển kinh doanh là rất hạn chế chưa kể đến những chính sách ưu đãi, hỗ trợ về đất đai, thuế… còn gặp rất nhiều khó khăn.

 Trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp được đề cao, nhiều doanh nghiệp, doanh nhân không ngừng nỗ lực vì cộng đồng, xã hội. Khi có hành lang pháp lý cụ thể và rõ ràng, doanh nghiệp xã hội sẽ có điều kiện thuận lợi hơn để phát triển và trở thành lực lượng bổ sung cho Nhà nước, đồng hành cùng Nhà nước để giải quyết các vấn đề xã hội và môi trường của đất nước.

Tuy nhiên, các doanh nghiệp xã hội ở Việt Nam còn khá non trẻ, được thành lập chủ yếu từ những ý tưởng mang tính cá nhân, có sứ mệnh phục vụ xã hội, nên vốn đầu tư ban đầu đa phần là vốn tự đóng góp của các thành viên sáng lập, với quy mô nhỏ nên sức ảnh hưởng, hiệu quả kinh tế còn chưa cao. Tuy nhiên, nhìn ở khía cạnh xã hội lại có những đóng góp rất tích cực. Những doanh nghiệp này là điểm đến không hẹn trước của cả cộng đồng xã hội cùng chia sẻ, trao đổi, học hỏi và phát triển. Ví như những doanh nghiệp mây tre đan, làm đồ thủ công xuất khẩu ở các làng nghề truyền thống đã mang lại nhiều giá trị, sự sẻ chia cộng đồng. Nhiều hộ gia đình có thể mang nguyên liệu về nhà làm, lao động dư thừa được sử dụng, thu nhập gia tăng… Một cựu chiến binh là chủ một doanh nghiệp xã hội chia sẻ: Chiến tranh qua lâu rồi nhưng vết thương còn mãi đó. Nhìn những đứa con của đồng đội mình nhiễm chất độc hóa học tôi đau lắm, tính làm gì đó cho các cháu, làm gì đó cho đồng đội mình, dù các cháu khuyết tật nhưng vẫn làm được thẻ hương, cái tăm… có được đồng lương, thấy mình còn có giá trị. Nhìn các cháu vui mà lòng tôi vui như trả nghĩa, tri ân được với đồng đội của mình.

Hay đơn cử như Công ty Cổ phần Anh Em Đầu Tư cũng là một ví dụ, đó là: mang kỹ thuật, gà giống, thức ăn… đến tận vườn để hướng dẫn bà con chăn nuôi theo quy cách, tiêu chuẩn, kỹ thuật và Công ty thu mua sản phẩm cho bà con. Không dừng lại ở đó, Công ty còn sẵn sàng tuyển dụng lao động là con em vùng sâu, vùng xa có hoàn cảnh khó khăn về Hà Nội làm việc, đảm bảo nơi ăn ở và có thu nhập ổn định.

Với suy nghĩ và hành động thiết thực của những doanh nhân vì cộng đồng thật đáng trân trọng. Vì vậy theo tôi, Chính phủ cần có chính sách hỗ trợ, ưu đãi tích cực nhằm phát triển loại hình doanh nghiệp này. Đồng thời, tạo môi trường phát triển bền vững cho các doanh nghiệp xã hội thông qua việc luật hóa các quy định có liên quan, tạo cơ sở pháp lý cho các doanh nghiệp hoạt động thuận lợi hơn. Phát triển doanh nghiệp xã hội chính là phát triển phương thức kinh doanh mang lại lợi thế cạnh tranh cho việc kinh doanh bền vững.

Trong bối cảnh kinh tế khó khăn và hội nhập quốc tế ngày một sâu rộng, để nâng cao năng lực cạnh tranh, các doanh nghiệp nước ta cần tìm ra những hướng đi mới như tận dụng tối đa các cơ hội do xu thế phát triển bền vững toàn cầu mang lại. Một doanh nghiệp thành công không chỉ tạo ra giá trị lợi nhuận, phương pháp quản lý, tác động môi trường nội tại mà còn phải tạo ra nhiều giá trị cho cộng đồng liên quan. Như vậy, vừa thực hiện trách nhiệm xã hội, vừa tạo ra thu nhập hợp pháp, đó là hai mục tiêu luôn song hành, hỗ trợ nhau trong một doanh nghiệp xã hội.

Lịch sử cho thấy đổi mới chưa bao giờ là dễ dàng, cái mới luôn được tiếp nhận trong sự e dè, thậm chí nghi ngại nên vẫn còn đó không ít những khó khăn, thử thách, nhưng với tâm thế đồng sức đồng lòng của cả hệ thống chính trị, đặc biệt là cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân, tôi tin tưởng doanh nghiệp xã hội sẽ ngày một phát triển trong thế vận mới cùng nhân dân cả nước đón chào năm mới, xuân Ất Mùi 2015.

 

COMMENTS
Chức năng này cần phải đăng nhập