site hit counter
HỘI ĐỒNG HỌ TRƯƠNG VIỆT NAM
19/04/2024 Tác giả: Luật sư Phương Thảo Lượt xem: 2476
(Các bài viết khác của tác giả Luật sư Phương Thảo)
Nó nằm đó, thoi thóp, xanh xao, thiêm thiếp như người đang ngủ trong giấc nhọc nhằn. Cái chăn mỏng vắt qua tấm thân gầy gò, để hở ra khuôn mặt mệt mỏi, đôi môi nứt nẻ vì dùng nhiều hóa chất qua mỗi lần xạ trị.

 Truyện ngắn:

 
Nó nằm đó, thoi thóp, xanh xao, thiêm thiếp như người đang ngủ trong giấc nhọc nhằn. Cái chăn mỏng vắt qua tấm thân gầy gò, để hở ra khuôn mặt mệt mỏi, đôi môi nứt nẻ vì dùng nhiều hóa chất qua mỗi lần xạ trị.
 Căn phòng tối om heo hắt chút ánh sáng qua tấm ri đô cũ, tiếng sụt sịt của mẹ và dì nó trong buổi chiều tà càng làm cho không khí căn nhà thêm nặng nề, thiểu não.
Bên ngoài họ hàng, bà con đã tề tựu đông đủ. Họ đến để xắn tay chờ lo hậu sự cho nó, sinh tử thiên mệnh nên ai vào việc đấy như đã sẵn sàng từ lâu.
Nếu không bị căn bệnh ung thư quái ác thì hôm nay nó đã là một cô giáo với bầy em nhỏ thân yêu, niềm mơ ước lớn lao nó ấp ủ và nỗ lực vượt khổ để vươn lên từ tấm bé. Cũng có thể giờ nó đã có gia đình êm ấm hạnh phúc với cậu bạn cùng thưở sinh viên sẻ ngọt chia bùi và những đứa con đáng yêu. Nó vốn xinh đẹp với đôi mắt to và làn da trắng của cô gái miền sơn cước. Nó cũng vốn là đứa hiền lành, ngoan, sống tình cảm vô cùng.
Cuộc đời tươi đẹp bỗng đóng sầm lại trước mặt nó kể từ khi bác sỹ báo tin khối u đã di căn gần hết ổ bụng. Trước đó 3 năm trong một cơn đau, mẹ và dượng nó đưa xuống bệnh viện huyện cấp cứu. Nhà nghèo, y học tiên tiến lại chưa xuất hiện ở một vùng quê hẻo lánh nên nó đã được cứu thoát bằng một ca mổ đơn thuần như bao bệnh nhân khác với số tiền viện phí đến nay mẹ nó chưa trả nợ hết. Không ai biết rằng mầm mống hậu họa của căn bệnh ác liệt nhất cũng bắt đầu từ đây.
---------------------------------------------
 
Nó có cha, mẹ rồi lại cũng như không. Cuộc đời con bé vốn bắt đầu bằng những chuỗi ngày bất hạnh tiếp nối khổ đau. Sinh ra biết nói biết nhìn là biết chứng kiến những trận đòn thừa sống thiếu chết mà bố thường xuyên dùng với mẹ nó. Trong những cơn say và cả lúc không say, roi vọt và chửi rủa có thể trút lên đầu anh em nó bất kỳ lúc nào. 14 tuổi thằng anh bỏ nhà đi làm ăn ở đâu không biết, nghe nói bốc vác và cạo mủ cao su ở tận miền Nam đủ nuôi miệng. Còn nó, cố ăn học với niềm tin trở thành cô giáo, không bị thiếu chữ như thằng anh và cũng để thoát cảnh lấy phải người chồng vũ phu như cuộc đời mẹ nó.
Lên mười tuổi thì nó xa bố. Mẹ nó sau một lần chết đi sống lại trong trận đòn lịch sử đã bắt đầu biết vùng lên. Ly dị, mẹ con nó khăn gói tay trắng về nương nhờ quê ngoại. Rồi có người đàn ông cùng cảnh thương yêu mẹ nó, rổ rá cạp lại, nó lại cảm thấy bơ vơ trong những tháng ngày sống với mẹ và dượng vì từ ngày ra khỏi nhà là từng đấy năm nó không được gặp lại bố đẻ dù chỉ ở cách nhau vài ba cây số.
Những ngày học sư phạm nó cam chịu ăn đói mặc thiếu, cố gắng học và tằn tiện để sống bằng sự cưu mang của cậu của dì, ai cũng mừng cho nó vì sắp ra trường, có công ăn việc làm để đỡ tấm thân, âu cũng là trời thương và bù đắp cho đứa bất hạnh như nó.
 
                                -------------------------------
 
Nó vẫn mê man, chưa đi hẳn nhưng cũng không có dấu hiệu hồi tỉnh. Đã mấy ngày và cả mấy tháng nay rồi, như ngọn đèn leo lắt, sắp tắt lại vụt sáng, bao lần mẹ nó đưa tay nắm lấy bàn tay gầy guộc là bấy nhiêu lần nó lại cố hồi sinh với chút sức lực mỏng manh cuối cùng. Duy chỉ có đôi mắt, đôi mắt ấy to và sáng, luôn long lanh như muốn nói rất nhiều với những người ở lại. Đôi mắt như tha thiết, như chờ đợi một điều gì đó, một nỗi khát khao cháy bỏng chỉ mình nó hiểu hoặc không muốn và không thể nói ra.
Người ta nói ‘trực” người chết quả không sai, thương có, xót xa có, sốt ruột có, mệt mỏi có và như một nghĩa vụ. Người quê vốn dĩ chân chất thật thà pha chút vô tâm, lại thấy nó chẳng còn một chút dấu hiệu nào của sự sống nên nhiều người qua lại vô tình hỏi nhau “nó đi chưa”, “chắc tối nay thôi”, “ừ, đi cho đỡ khổ”, “mẹ nó mệt lắm đấy nhỉ”, rồi lại chao chác chuyện hậu sự, phân công việc bếp núc, trống kèn. Quay đi quay lại cũng không thể thiếu cái đề tài hấp dẫn nhất, người ta thi nhau oán thán cái thằng bố nó, trách cái “thằng chó” ấy, cái họ hàng bên “đằng chó” ấy, từng đấy năm không gặp mặt con, từng đấy tháng trời không một lần thăm hỏi, giờ nó sắp lìa đời cũng chưa một lần được nắm tay bố và gia đình nhà nội.
Nó vẫn thiêm thiếp và lịm dần, lịm dần. Thương cháu, ông ngoại nó khẽ nắm bàn tay, vuốt nhẹ trên mặt và nói đủ cho nó nghe “đi đi thôi cháu, thằng bố mày nó không đến đâu, đừng đợi nữa...”. Nó buông dần tay ông ngoại, hai giọt lệ ứa ra nơi khóe mắt, thở hắt ra rồi nhẹ nhàng, nhẹ nhàng....
 Nó tròn 20 tuổi.
COMMENTS
Chức năng này cần phải đăng nhập