site hit counter
HỘI ĐỒNG HỌ TRƯƠNG VIỆT NAM
Làng cổ Thiên Xuân với trường lũy di tích quốc gia
17/06/2024 Tác giả: denrobium tổng hợp Lượt xem: 954
(Các bài viết khác của tác giả denrobium tổng hợp)
Dưới chân núi Nứa, thuộc thôn Thiên Xuân, xã Hành Tín Đông, huyện Nghĩa Hành, cách TP Quảng Ngãi 45 km về hướng Tây còn lưu lại dấu tích một ngôi làng cổ của người Việt xưa rất độc đáo và dãy trường thành bằng đá nối các dãy núi liền nhau.

Làng Thiên Xuân là nơi sinh sống của hơn 40 hộ dân trên lưng chừng núi với đầy đủ các thiết chế của ngôi làng cổ cách nay khoảng 400-600 năm.Làng cổ Thiên Xuân rộng khoảng 2 cây số vuông, toàn bộ ngôi làng được vây bọc bởi hệ thống thành lũy (không có hào) bằng đá xếp chồng lên nhau rất vững chãi. Mặt thành rộng 1 mét, cao từ 2,5 mét đến 3 mét, chồng đá dạng tổ ong lên.

Dạng thành lũy này có thể sử dụng rất tiện lợi trong chiến đấu và bảo vệ tài sản con người, ngăn chặn sự tấn công xâm nhập của các loài thú rừng hung dữ. Bên trong, mỗi hộ gia đình sở hữu một ô vuông khoảng 200m2, các bậc tam cấp lên xuống dát bằng đá nhẵn rất đẹp mắt.

Bên ngoài lũy đá ngày trước trồng rất nhiều tre gai dày đặc. Tương truyền quanh vùng núi Nứa, núi Dâu dọc thung lũng sông Vệ ngày xưa có nhiều cọp dữ. Hàng ngày người dân xuống đồng, chiều rút về trên núi.

Ông Hồ Trọng Tấn, 85 tuổi, nhận mình là con cháu đời thứ 6 của họ Hồ dòng dõi Hồ Qúy Ly vào đây sinh cơ lập nghiệp. Làng Thiên Xuân có bốn tộc họ Nguyễn, Hồ, Lê, Đoàn là những họ tiền hiền khẩn hoang lập làng.

Có thể sau sự kiện vua Chămpa chiếm lại Chiêm Động và Cổ Lũy Động nhân nhà Minh (giặc Ngô) xâm chiếm Đại Việt, nên những cư dân gốc xứ Thanh Nghệ bị kẹt lại, và họ đã lập làng ở vùng đất bán sơn địa này.

Câu nói “bất ẩn Thiên Xuân khê” còn được đọc là “bất ẩm” vì từng xảy ra đại dịch bệnh do nguồn nước nhiễm độc. Anh Chín, cán bộ xã Hành Tín Tây kể lại chuyện bi thương từng xảy ra trong làng cổ: Hàng năm vào dịp Tết Trung Thu, tục làng cho phép giết bò làm thịt chiêu đãi các cháu thiếu nhi. Có lần do bất cẩn, lấy đầu đạn ca-nông chụm lại ba quả làm ông Táo bếp. Đạn pháo nổ khiến nhiều người thiệt mạng, nên từ đó làng không tổ chức tục lệ này nữa.

Độc đáo nhất là nước được dẫn về làng bằng dòng suối nhỏ dài hơn cây số, bên dưới được xếp bằng đá cuội, chồng lên nhau ngay ngắn và đẹp mắt tạo ra hệ thống dẫn thủy độc đáo, vừa chống xói lở, vừa “lọc" được tạp chất.

Làng cổ Thiên Xuân còn nhiều bí ẩn cần được trả lời. Trước mắt cùng với thành lũy vừa được công nhận di tích quốc gia, di tích bác sĩ Đặng Thùy Trâm (Đức Phổ), rừng núi của du kích Ba Tơ, Cổ Lũy Cô Thôn (Sơn Tịnh), làng cổ Thiên Xuân đáng để dừng chân khám phá.

Trường Lũy đã được công nhận di tích quốc gia. Trường Lũy Quảng Ngãi - Bình Định dài hơn 127 km, đoạn thuộc tỉnh Quảng Ngãi là 113 km qua 8 huyện: Trà Bồng, Sơn Tịnh, Sơn Hà, Tư Nghĩa, Minh Long, Nghĩa Hành, Ba Tơ, Đức Phổ và hơn 70 đồn (bảo) còn tương đối nguyên vẹn.

Trường Lũy chạy dài gần hết chân dãy Trường Sơn Đông được xây bằng đất đá xếp chồng lên nhau. Chiều cao trung bình của lũy là 2m, các đồn phần lớn có hình chữ nhật, mỗi cạnh dài từ 25-30m, tường cao 4m.

Năm 2005, các nhà nghiên cứu thuộc Trường Viễn Đông Bác Cổ cùng Viện Khảo cổ học đã phát hiện và chính thức bắt tay vào khai quật, nghiên cứu Trường Lũy Quảng Ngãi. Sau 5 năm miệt mài nghiên cứu, đến tháng 4/2010 các nhà khảo cổ chính thức công bố kết quả nghiên cứu của mình. Theo đánh giá của các nhà khoa học, đây không chỉ là công trình không chỉ với mục đích phòng vệ quân sự, mà còn là con đường giao thương giữa miền xuôi và miền ngược, giữa vùng núi - đồng bằng và miền biển.

Trường Luỹ được xây dựng từ trước thế kỷ XVII-XIX, có chiều dài 127,4km (riêng địa bàn tỉnh Quảng Ngãi là 113km) kéo dài từ huyện Trà Bồng (tỉnh Quảng Ngãi) đến huyện An Lão (tỉnh Bình Định). Trường Lũy đi qua địa phận 10 huyện của Quảng Ngãi và 2 huyện thuộc Bình Định, chạy dọc theo dãy Trường Sơn. Hiện nay, trên dọc lũy vẫn còn những đoạn lũy khá nguyên vẹn. Dọc lũy, thời triều Nguyễn có hệ thống bảo (đồn bảo vệ) mà qua tài liệu có đến 115 bảo.

Ngày 8/5/2011, tại xã Hành Tín Đông (huyện Nghĩa Hành), UBND tỉnh Quảng Ngãi long trọng tổ chức lễ đón nhận bằng công nhận di tích Trường Lũy Quảng Ngãi.

Theo nghiên cứu và khảo sát, Trường Lũy có độ cao trung bình là 2m, đáy trung bình 4m, bề mặt trung bình 1m. Đây là công trình kiến trúc dài nhất Đông Nam Á, đa dạng về chất liệu và cấu trúc độc đáo.

Với giá trị văn hóa, lịch sử và tiềm năng khai thác du lịch, vừa qua ngày 9/3/2011, Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch đã công nhận Trường Lũy Quảng Ngãi xếp hạng di tích cấp quốc gia.

Phát biểu tại buổi lễ đón nhận, ông Nguyễn Xuân Huế - Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi - cho biết: “Giá trị to lớn của Trường Lũy Quảng Ngãi đã phần nào khẳng định sự phong phú về di tích văn hóa ở Quảng Ngãi. Đặc biệt, thông qua di tích Trường Lũy, Quảng Ngãi sẽ xây dựng kế hoạch trùng tu, tôn tạo nhằm khai thác và phát triển du lịch”.

 

COMMENTS
Chức năng này cần phải đăng nhập