site hit counter
HỘI ĐỒNG HỌ TRƯƠNG VIỆT NAM
Nhật ký ở làng (kỳ 2) - Sự thách đố của người xưa
17/06/2024 Tác giả: Lượt xem: 993
(Các bài viết khác của tác giả )
Xưa, làng tôi tên Kim Quất, đến thời chúa Nguyễn đổi thành Thanh Quất, là một trong 66 làng thuộc phủ Điện Bàn (theo Ô châu cận lục). Các bậc tiền hiền từ các tỉnh Bắc Trung Bộ và đồng bằng sông Hồng vào khai cư lập nghiệp ở đây đến nay đã hơn 5 thế kỷ. Làng có 4 xóm - gọi là “tứ ấp” - với 12 xứ đất gồm: Lệ Thủy, Bắc Bằng, Bàu Đưng, Thanh Luy Tiền, Thanh Luy Trung, Thanh Luy Hậu, Mụ Đội, Bàu Nhơn, Minh Thượng, Trà Cổ, Thạch Não Nội và Thạch Não Ngoại. Lại có các xứ đồng chuyên trồng trọt, các xứ đất gò làm nghĩa trang cho người quá vãng như Gò Dang, Gò Nơm, Gò Tử, Gò Huề, Vạt Cháy, Gò Phật, Gò Lao, Gò Sành, Vườn Huê, Vườn Chỉnh, Vườn Chàm. Liên quan đến xứ đất, xứ đồng là những câu chuyện “dở khóc dở cười” của dân làng trong quá trình truy tìm mộ ông bà, tổ tiên.

Trong đời sống tâm linh, thất lạc mồ mả tổ tiên đã trở thành nỗi dằn vặt trong nhiều người. Và tôi nhiều lần trở về làng cũng không nằm ngoài chuyện đi tìm mộ tổ ở xứ đất mang tên Gò Huề.

Nằm ở phía tây nam của làng, vùng đất có địa thế khá cao này được chọn làm nghĩa trang từ mấy thế kỷ trước. Bao nhiêu thế hệ đi trước của nhiều tộc họ khác nhau trong làng do chìm đắm trong nghèo đói và những cuộc chiến tranh dai dẳng nối tiếp nhau nên đã tạo ra một tình thế khó xử cho đời sau: mồ mả ông bà bị thất lạc. Ngày trước, mộ phần đa số chỉ là nấm đất không có bia mộ; ngôi mộ nào có bia thì là bia viết bằng chữ Hán, bị đạn bom làm cho không còn nguyên vẹn. Có ngôi mộ vị trí chỉ còn lại trong trí nhớ của người lớn tuổi đã tạo ra sự tranh giành của gia đình, tộc họ khác. Khắp nghĩa trang Gò Huề có hàng trăm ngôi mộ đất - không bia hoặc có bia nhưng không còn nhận ra tự dạng - từ lâu chẳng được chăm sóc, hương khói. Thi thoảng vào ngày giỗ âm linh (20 tháng chạp hằng năm), người trong làng huy động nhau giẫy mả âm linh, nhưng thường là qua quýt.

Đi tìm mộ tổ tiên trước hết phải giở lại gia phả, tông đồ để nắm rõ tên tuổi, thế hệ của người quá cố để biết được nơi yên nghỉ của họ. Nhưng trong nhiều trường hợp, những ghi chép đại khái và đôi khi sử dụng thủ pháp “chơi chữ” để tránh nhắc đến tên tục của tiền nhân hoặc tránh phạm húy của người xưa cũng khiến đời sau “bó tay”. Chẳng hạn, một vị họ Trương thuộc Phái Nhất, Chi Nhất qua đời cách đây hơn 200 năm, bia mộ khắc “Việt Nam, Thanh Luy xứ, Trương Quý công tự viết Tửu Doanh chi mộ”; bên trái bia ghi “Trương tộc, phái... chi... phụng lập”; bên phải ghi “Ất Tỵ niên đông”. Bia không ghi rõ đời thứ mấy, Thanh Luy Tiền hay Thanh Luy Hậu! Con cháu Chi Nhất ngày nay lên tới hàng trăm hộ và không rõ vị tổ có tên tự Tửu Doanh là ai, vì trong các vị tiền bối của họ chẳng có ai tên đó. Hằng năm đi tảo mộ, con cháu trong tộc cũng chỉ được những người lớn tuổi bảo “Đó là ông (hoặc bà) trong tộc mình!” làm thông tin cơ bản và duy nhất.

Rốt cuộc, bao nhiêu cuộc đời, bao nhiêu số phận tiền nhân đã bị phiêu dạt ngay trên đất làng mình. Bao nhiêu cháu con luôn hướng về tổ tiên đành ngậm ngùi tiếc nhớ. Chính cách viết văn bia bằng chữ Hán hoặc chữ Nôm của ông bà cũng là nguyên nhân khiến con cháu đau đầu trong tìm kiếm. Sau đây là vài ví dụ về chuyện tìm mộ ông bà, tổ tiên ở làng:

Có gia đình tộc Nguyễn, dù có người đọc được chữ Nho, chữ Nôm nhưng vẫn không biết đâu là nơi yên nghỉ của tiền nhân. Đó là trường hợp của cụ tổ đời thứ 8 - sống cách đây 200 năm. Tuy đã rõ tên tuổi trong tông đồ, nhưng gia phả ghi “Mộ táng Viên Ba xứ, thạch bi” - được hiểu là mộ chôn tại xứ đất Viên Ba đã lập bia đá. Nhưng kiểm lại, trong 12 xứ đất của làng và các làng lân cận vẫn không ai tìm thấy xứ Viên Ba ở đâu. Sau nhiều năm tìm kiếm rồi suy luận, con cháu có người đã luận rằng Viên là vườn, Ba là bông hay hoa. Nhưng trong làng cũng không thấy đâu là vườn hoa, vườn bông mà chỉ có... Vườn Huê. Đến tìm, té ra mộ cụ tổ quả thật ở Vườn Huê, có bia đá và tên tuổi cụ thể.

Một mộ tổ khác cũng cách đâu 150 năm, gia phả ghi “Mộ táng Đảnh Chí sở thạch bi”. Theo cách suy luận trên, con cháu hiểu ra “đảnh” hay “đỉnh” có nghĩa là cái “vạc”, đọc lên đồng âm với “vạt”; trong chữ “chí” lại có bộ “hỏa”, dính líu đến việc “cháy” của lửa. Nhờ vậy, con cháu đã đến Vạt Cháy và tìm được mộ.

Những câu chuyện trên là cái khổ khi tìm nơi an táng. Còn tìm theo tên tuổi ghi trên gia phả hoặc bia mộ cũng là một cái khổ đối với lớp cháu con đời sau. Có trường hợp gia phả ghi “Tằng tổ tỉ P.T. Quý Nương hiệu Nam Trân” nhưng trong dòng họ ấy không có ai tên là Nam Trân. Con cháu bèn mời một cụ thâm nho đến kiến giải. Vị thâm nho ấy đã liên tưởng đến giai thoại về quả lòn bon của xứ Quảng (Nam Trân quả), nhờ vậy con cháu đã tìm được mộ bà. Hóa ra cụ tổ tỉ này tên thật là L. (tên bộ phận sinh dục nữ), vì khó nuôi nên mới được đặt tên như thế; gia phả ghi là Nam Trân để tránh chữ.

Hoặc có một mộ phần bia mộ ghi “Nguyễn Quý công, tự viết Minh Linh chi mộ”. “Minh Linh” trong Hán tự nghĩa là con tò vò. Thành ra suốt nhiều năm, con cháu không ai có thể xác định được đó là bia mộ của người nào trong tộc. Sau có người giảng giải theo một câu chuyện sai lầm trong cách nghĩ của người xưa rằng con tò vò khi làm tổ thường tha những con sâu non về, chích nọc vào sâu để sâu hóa thành tò vò con. Như vậy sâu là con nuôi của tò vò. Từ suy luận đó, cháu con lật gia phả thì quả trong dòng tộc có người tên Nuôi và là con nuôi của một gia đình trong làng. Nhờ đó, mộ ông được cháu con tu sửa tôn tạo khang trang.

Những dẫn dụ trên cho thấy cách chơi chữ của người xưa trên văn bia và trong gia phả đều là những thách đố không dễ vượt của đối với thế hệ con cháu hôm nay.

Nhật ký về làng (kỳ 1)

 

Theo Trương Điện Thắng

http://baoquangnam.com.vn

COMMENTS
Chức năng này cần phải đăng nhập