site hit counter
HỘI ĐỒNG HỌ TRƯƠNG VIỆT NAM
Nhớ làng *
17/06/2024 Tác giả: Lượt xem: 921
(Các bài viết khác của tác giả )
Những chùm hoa chim chim nở tím sân đình đẫm màu rêu cũ, ngôi trường nhỏ như tổ chim, miếng bánh đúc ngọt bùi phiên chợ, mùi áo mới tuổi nhỏ, con gà đất trên tay của đứa bạn 13 tuổi bị địch bắn đầu làng, cái lận đận của người cha một thời “đi ở”, nồi bánh tét và những chiếc bánh ú canh chờ sáng đêm ba mươi…là những hình ảnh đằm sâu trong ký ức về ngôi làng chưa hề phai nhạt của Trương Điện Thắng.
Nỗi nhớ làng cứ chập chờn, quặn thắt đến dai dẳng, ròng rã đã 30 năm, Thắng đã góp nhặt cát đá những bài viết rời trong suốt thời gian ấy để tập hợp lại, gói ghém trong 2 từ  làng  tôi. Hình như anh nhuốm phải một thứ tâm bệnh, căn bệnh của người đời nay khi cứ loay hoay cô độc giữa chốn thành thị muốn quay về cổ xứ. Chợt nhớ chuyện xưa kể rằng có vị quan to khi gió sang mùa bỗng nhớ món rau thuần cá vượt (thú quê thuần hức mùi) bèn treo ấn từ quan mà về quê…

Nhưng Làng tôi không chỉ là ký ức, nỗi nhớ, tác giả còn ghi chép, sưu tầm những câu chuyện dân gian, tham khảo nhiều tư liệu, kể cả gia phả, thư tịch, bia mộ nhằm phác thảo đầy đủ về ngôi làng của mình. Vì thế, người đọc như đang tiếp cận một kho sử làng với những sự kiện, chi tiết và biến cố lịch sử liên quan. Viết sử làng, tác giả không có tham vọng làm điều đó, vì nói theo cách nói của nhà nghiên cứu Nguyễn Văn Xuân: Viết sử làng còn khó hơn viết sử của cả đất nước, nhưng dẫu có vô tình thì Làng tôi vẫn đan xen giữa cảm xúc, kỷ niệm riêng tư và thể loại biên khảo, một sự tổng hợp khá lý thú.

Thanh Quýt, ngôi làng của tác giả có nhiều nét độc đáo bởi nó tiêu biểu cho hình thái của một ngôi làng cổ xứ Đàng Trong, gồm các tộc họ mà các vị tiền hiền là các vị tướng theo Chúa Tiên Nguyến Hoàng đi mở đất. Suốt 500 năm nằm trên đường thiên lý, đứng án ngữ nơi vùng Hội An, Đà Nẵng chứng kiến biết bao nỗi thăng trầm thế sự, tất cả còn khắc ghi trong cổ lục. Làng có tên trong Phủ biên tạp lục của Lê Quý Đôn và Ô Châu Cân lục của Dương Văn An, được biết đến với nghề dệt vải lâu đời. Là quê hương của bậc danh thần Binh bộ Thượng thư Trương Công Hy được vua Quang Trung phong làm khâm sai Quảng Nam trấn (cai quản từ Hải Vân tới Phú Yên) đóng tại dinh trấn Thanh Chiêm. Là nơi sinh ra mẹ Thứ, người mẹ trăm năm được tạc khắc như một biểu tượng của bà mẹ Việt Nam anh hùng, Là nơi nhau rốn của liệt sĩ Nguyễn Văn Trỗi, chị Tranh, hàng trăm liệt sĩ cùng nhiều nhà văn hoá, khoa học nổi tiếng cả nước. Người Thanh Quýt có tính khí cốt cách đặt sệt Quảng Nam, không chỉ nổi tiếng từ xưa với nghề dệt vải mà còn sở hữu nghề tranh tre đan lát và trồng thuốc lá. Thuốc lá Cẩm Lệ đã là thương hiệu danh trấn giang hồ khắp cả nước
 
Viết sử làng rất khó vì nguồn tư liệu, thư tịch cổ lại hiếm, bị thất lạc vì chiến tranh loạn lạc và dâu bể thời gian nên ngoài các văn bản có được ( như hưong ước, gia phả, bia mộ, các câu đối trên đình chùa, miếu mạo…), tác giả còn lần theo nguồn tư liệu sống và những chuyện kể dân gian được lưu truyền khá phong phú để góp phần làm sáng tỏ thêm phần cứ liệu lịch sử
Có thể đấy là những giả thiết có tính huyền sử nhưng chắc chắn sẽ tạo nên sự thú vị trong lòng người đọc bởi sức sống kỳ diệu của đời sống văn hoá tâm linh của làng xã  vẫn luôn lưu truyền gìn giữ như một mạch ngầm luôn tuôn chảy trong mỗi con người Việt Nam. Có lẽ vì thế Làng tôi là tập sách biên sử làng được viết dưới cái nhìn văn học đầy cảm xúc.

 
“Nhiều người mới quen cứ tưởng Trương Điện Thắng là một nhà báo thuần túy, nhưng với những ai thân thiết thì luôn nghĩ đến anh như một nhà thơ rất tài hoa. Thơ anh là một sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa khuynh hướng thi ca truyền thống và cách tân. Những bài thơ của anh gây được cảm xúc nhẹ và sâu với người yêu thơ...Cám ơn anh đã cho tôi đọc những bài thơ hay.
                                                 Tiến sĩ, nhà văn Trần Kiêm Đoàn (Hoa Kỳ)
 
 
   Hồ Sỹ Bình



 
(* Đọc Làng tôi, Trương Điện Thắng, NXB Hội  nhà văn, Hà Nội, 2007)
COMMENTS
Chức năng này cần phải đăng nhập