site hit counter
HỘI ĐỒNG HỌ TRƯƠNG VIỆT NAM
Người họ Trương nổi tiếng khoa bảng thời Trần
25/04/2024 Tác giả: Nhà thơ - Nhà báo Trương Thị Kim Dung Lượt xem: 1078
(Các bài viết khác của tác giả Nhà thơ - Nhà báo Trương Thị Kim Dung)
Căn cứ vào “Đại Việt sử ký toàn thư” và một số thư tịch (gia phả, thần phả, văn bia...) thời Trần dòng họ Trương có sự thăng hoa rực rỡ về đường học hành thi cử. Trong các kỳ thi Đình, họ Trương đã có 4 người đỗ đạt cao (2 Trạng nguyên, 1 Thám hoa, 1 Tiến sĩ) và đều giữ trọng trách đặc biệt trong triều chính (Hàn lâm học sĩ, Thượng thư, Ngự sử đại phu):
          1. Trạng nguyên Trương Hanh:  đỗ đệ nhất giáp kỳ thi Thái học sinh năm Kiến Trung thứ 8 (Nhâm Thìn, 1232), đời vua Trần Thái Tông. Đỗ đệ nhị giáp khoa thi này là Đặng Diễn, Trịnh Phẫu. còn đệ tam giáp là Trần Chu Phổ.
          Cụ là người làng Mạnh Tân (Yên Tân), huyện Gia Phúc, phủ Hạ Hồng, Hải Dương (nay là xã Gia Lương, huyện Gia Lộc, tỉnh Hải Dương), làm Hàn lâm học sĩ (là chủ quan của Hàn lâm viện có trình độ học vấn uyên thâm, chuyên nắm việc chế cáo, sử sách, văn hàn, làm cố vấn cho vua Trần Thái Tông trong các cuộc kháng chiến chống Nguyên - Mông) rồi thăng đến chức Thượng Thư (Bộ trưởng của một trong bốn Bộ của Triều đình lúc bấy giờ). Ngài là người đỗ Đại Khoa (Tiến Sĩ) sớm nhất của vùng Gia Lộc thời đó và cũng là người họ Trương đỗ đạt khoa cử sớm nhất được ghi chép lại trong sử sách.Khi cụ  mất, người dân lập đền miếu thờ tại quê nhà và  coi cụ là Thành hoàng làng.

 
 

          2. Trạng nguyên Trương Xán :
          Thời Trần, nếu ai quê từ Ninh Bình trở ra đỗ Trạng thì gọi là Kinh Trạng Nguyên, còn từ Thanh Hóa trở vào gọi là Trại Trạng Nguyên.
          Khoa Bính Thìn, niên hiệu Nguyên Phong thứ 6 (1256 Tống Bảo Hựu năm thứ 4) đời vua Trần Thái Tông, Trương Xán – người xã Hoành Bồ, huyện Quảng Trạch,  châu Bố Chính (Quảng Bình) đỗ Trại Trạng Nguyên  cùng với Kinh Trạng nguyên Trần Quốc Lặc và  Chu Hinh đỗ  Bảng nhãn, Trần Uyên đỗ Thám hoa lang. Kỳ thi Thái học sinh này lấy đỗ 43 người trong đó Kinh 42 người, Trại 1 người. Tài năng của Trương Xán được  dân gian truyền tụng: người đồng khoa là Trần Quốc Lặc thường đặt cho mình một cái lệ đệm nào cũng thắp cạn 3 đĩa dầu lạc rồi mới đi ngủ. Ai nấy cho rằng Trần Quốc Lặc thế nào cũng đỗ Trngj nguyên nhưng riêng ông vẫn lo vì nghe tiếng Trương Xán là người học một biết mười, nổi danh trong đám sĩ tử tham dự Đại khoa.
          Sinh thời Trương Xán rất say mê vẻ đẹp của thiên nhiên và thường tìm thấy trong các hiện tượng thiên nhiên những triết lý nhân sinh - xã hội sâu sắc:  “Con người cũng giống như những hòn đảo, phía trên mặt nước có thể đứng tách riêng, nhưng phía dưới thì chân những hòn đảo chắc chắn sẽ liền vào nhau. Và cùng liền vào đất dưới đáy biển. Đáy biển ấy liền thành một khối không rời đối với bờ. Khi nào nước biển lui xuống, các đảo kia trơ ra chúng ta dễ dàng nhìn thấy điều ấy. Con người cũng như những hòn đảo riêng rẽ kia. Mỗi người có thể có cuộc sống khác nhau nhưng tất cả luôn gắn bó với nhau và gắn bó với cuộc sống chung của dân chúng trong thế gian này. Không ai có thể sống tách rời khỏi cộng đồng của mình được’’.
          Cụ làm quan đến chức Hàn lâm Học sĩ. Khi cụ tạ thế, một số làng chài đã lập đền thờ  coi cụ như một vị Phúc thần chuyên cứu giúp những người đi biển.



Tái hiện lại cảnh thi Đình xưa

          3. Thám hoa Trương Phóng (Trương Tích):
          “ Đại Việt sử ký toàn thư “ (trang 88) ghi rằng: Tháng 3 Giáp Thìn niên hiệu Hưng Long năm thứ 12 (1304) (Nguyên Đại Đức năm thứ  8), đời vua Trần Anh Tông thi kẻ sĩ trong nước. Về phép thi: trước hết thi ám tả thiên Y Quốc và truyện Mục Thiên tử để loại bớt. Thứ đến Kinh nghi (những điều nghi vấn trong kinh điển Nho gia), kinh nghĩa (bàn về nghĩa lý trong kinh điển Nho gia), đề thơ (tức thể cổ thi ngũ ngôn trường thiên) , hỏi về “Vương độ khoan mãnh” (chế độ rộng, ngặt), theo luật “tài nan xạ trĩ” (tài khó bắn trĩ) , về phú thì dùng thể 8 vần “đế đức hiếu sinh, hiệp vụ dân tâm” (đức độ đế vương vốn ưa sự sống hợp lòng dân). Kỳ thứ 3 thi chế, chiếu,  biểu,. Kỳ thứ 4 thi đối sách.  Kỳ thi Thái học sinh này lấy đỗ 44 người.
          Ngay sau khi đỗ Đại khoa vua đã đặc ân cho 3 người đỗ cao nhất được lên kiệu dạo xem khắp kinh thành và ban cho Trạng nguyên Mạc Đĩnh Chi (quê Chí Linh – Hải Dương) chức Thái Học sinh hỏa dũng thủ, sung làm nội thư gia; Bảng nhãn Bùi Mộ (quê Thanh Oai – Hà Tây)  chức Chi hậu bạ thư mạo  sam, sung làm nội lệnh thư gia. Thám hoa lang Trương Phóng (quê Thanh Hóa) chức Hiệu thư quyền miện sung làm nhị tư (đứng thứ 2 trong 4 người ở  Tập hiền viện hiệu lý , giữ việc chỉnh đốn thư tịch).


 
Bia Tiến Sĩ tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám, Hà Nội

          4. Tiến sĩ Trương Đỗ
          Trương Đỗ quê gốc ở làng Phù Đái, huyện Đồng Lại (nay là thôn Phù Tải, xã Thanh Giang, huyện Thanh Miện, tỉnh Hải Dương), ra ngụ ở phường Cơ Xá và Nghi Tàm, thành Thăng Long. Sau khi đậu Tiến sĩ,  Trương Đỗ giữ chức Ngự sử Đại phu đứng đầu ngự sử đài, cụ còn được vua vua tin cậy giao kiêm nhiệm chức Đình uý tự khanh (đứng đầu cơ quan chuyên tra xét các hình án) và Trung đô phủ tổng quản (Quản lý an ninh và mọi mặt của kinh thành Thăng Long).
Theo Đại Việt sử ký toàn thư (ĐVSKTT), năm Bính Thìn (1376) vua chiêm thành gửi dâng cho vua Trần 10 mâm vàng, nhưng viên quan tham ô là Đỗ Tử Bình biển thủ rồi trí trá tâu vua rằng Chế Bồng Nga ngạo mạn vô lễ, kích động vua đem quân sang hỏi tội. Trương Đỗ ba lần dâng “Bãi chiến sớ”  can vua Duệ Tông:  “ … Chiêm Thành ở tận cõi Tây, xa xôi hẻo lánh, núi sông hiểm trở. Nay Bệ hạ mới lên ngôi, đức chính giáo hoá chưa thấm nhuần tới phương xa, nên sửa sang văn đức khiến nó phải tự đến thần phục. Sau này nếu nó không nghe theo, sẽ sai tướng đi đánh cũng chưa muộn gì” .
          Vì không nghe lời can tâm huyết của Ngự sử đại phu Trương Đỗ mà vua Trần Duệ Tông  đem 12 vạn quân sang đánh Chiêm Thành đã sa vào bẫy phục kích của đối phương nên bị  thua, vua và nhiều tướng sĩ tử trận.
          Tài đức của  quan Ngự sử đại phu - Trung Đô tổng quản Trương Đỗ được người đương thời hết lời ca ngợi:
Thiếu niên xuất chúng tướng quân phục
Tráng tuế tằng thừa Ngự sử thông
Tam gián bất tòng thân tự thoái
Gia đình thanh bạch túc môn phong
          Tạm dịch:
Tuổi trẻ khác người, tướng phải phục
Lớn lên làm tới Ngự sử quan
Ba lần can, vua không nghe, từ chức
Trong sạch nhà nghèo tạo nếp quen
          Sử gia Ngô Sỹ Liên viết: “Trương Đỗ khi làm quan thì không ngại lời nói thẳng, thế là xứng đáng với chức vụ của mình. Khi can dâng sơ tới ban lần, thế là dám chạm đến cả vua. Mà vua không nghe thế là tâm trí vua đã lẫn rồi. Người có trách nhiệm phải nói không được nghe theo thì bỏ đi thế là sự tiến lui của Trương Đỗ đều hợp lẽ phải vậy. Tuy lời nói thẳng thường trái tai vua, nhưng lợi cho thân vua. Việc này có thể nêu lên làm gương được”.
          ”Đại Việt sử ký toàn thư” đề cao phẩm chất đạo đức của cụ: “ Trương Đỗ là người thanh liêm, thẳng thắn, không bè đảng, phóng khoáng, có chí lớn … Ông làm quan trong sạch, nghèo túng, không gây dựng điền sản, con cháu nối đời làm quan cũng có tiếng là nghèo mà trong sạch”.
Sách Kiến văn tiểu lục của Bảng nhãn Lê Quý Đôn trong tập II, trang 257, có tôn vinh 5 vị cao sỹ đời Trần, trong đó Trương Đỗ đứng sau Chu Văn An: “ Đây là những người trong trẻo, cương trực, cao thượng, có phong độ như sĩ quân tử đời Tây Hán, thật không phải những người tầm thường có thể theo kịp được. Bởi vì Nhà Trần đãi ngộ sĩ phu rộng rãi, không bó buộc, hoà nhã, có lễ độ cho nên nhân vật trong một thời có chí khí tự lập, hào hiệp, cao siêu, vững vàng, vượt ra ngoài thói tầm thường, làm rạng rỡ trong sử sách, trên không hổ thẹn với Trời, dưới không thẹn với Đất. Ôi như thế người đời sau còn theo kịp thế nào được! Từ Bản triều về sau, phong độ ấy dần dần không được nghe thấy nữa”.
 
                                                       
COMMENTS
Chức năng này cần phải đăng nhập