site hit counter
HỘI ĐỒNG HỌ TRƯƠNG VIỆT NAM
Nguyên Bí thư Tỉnh ủy Trương Quang Giao - người dám nghĩ, dám làm
19/04/2024 Tác giả: QUANG LÂM Lượt xem: 976
(Các bài viết khác của tác giả QUANG LÂM)
Một đặc điểm đáng chú ý ở đồng chí Trương Quang Giao là luôn vận dụng sáng tạo các chủ trương, đường lối của Đảng vào đặc điểm của địa phương, đơn vị mình phụ trách. Đặc biệt, luôn nêu cao tinh thần dám nghĩ dám làm, dám chịu trách nhiệm, có quyết tâm cao, nỗ lực lớn, nhất là trong cuộc khởi nghĩa Ba Tơ.

Đồng chí Trương Quang Giao, tên khai sinh là Trương Quang Viên, bí danh là Giao, Tám; sinh ngày 30-3-1910 tại xã Tịnh Khê, huyện Sơn Tịnh, tỉnh Quảng Ngãi. Sinh ra và lớn lên trong một gia đình nông dân nghèo, từ nhỏ, Trương Quang Giao đã có tinh thần ham học, có tư duy độc lập. Lúc học ở trường tỉnh, Trương Quang Giao rất ham đọc thơ, phú của các sĩ phu yêu nước, nhất là của các cụ Phan Châu Trinh, Phan Bội Châu… Năm 16 tuổi, vì hoàn cảnh gia đình, Trương Quang Giao phải thôi học về nhà làm ruộng, làm nghề thủ công phụ giúp gia đình và chính trong thời gian này, Trương Quang Giao đã được tiếp xúc, trao đổi với những người “gieo hạt” cách mạng ở Quảng Ngãi như Nguyễn Thuận, Phạm Hòe...; để rồi đến tháng 9-1930, Trương Quang Giao được kết nạp vào Đảng Cộng sản Việt Nam.

Do hoạt động tích cực, nên từ năm 1930 đến năm 1939, đồng chí bị địch bắt giam đến 4 lần, trong đó lần thứ tư bị kết án tù 5 năm và đày đi Buôn Mê Thuột.

Cuối tháng 12-1944, tại Hội nghị lập lại Tỉnh ủy Quảng Ngãi, đồng chí được cử làm Bí thư Tỉnh ủy và được giao phụ trách chung, phụ trách các huyện phía bắc của tỉnh, xây dựng mối quan hệ với Tỉnh ủy Quảng Nam, đặc biệt phải tìm cách bắt liên lạc với Xứ ủy và Trung ương.

Ngay sau Nhật đảo chính Pháp (9-3-1945), Tỉnh ủy lâm thời Quảng Ngãi họp bất thường bàn kế hoạch chuẩn bị khởi nghĩa giành chính quyền. Hội nghị cử ra Ban Khởi nghĩa do đồng chí Trương Quang Giao làm Trưởng ban, phụ trách cánh bắc của tỉnh. Trên cương vị mới, đồng chí động viên tinh thần chiến đấu của cán bộ, đảng viên, nhất là các thành viên Ban Chỉ huy Khởi nghĩa Ba Tơ: "Bất kỳ giá nào, chúng ta cũng phải khởi nghĩa, giành chính quyền Ba Tơ. Chúng tôi sẽ nỗ lực phát động quần chúng đồng bằng vùng lên khởi nghĩa nông thôn để hưởng ứng các đồng chí". Chiều 11-1-1945, cuộc khởi nghĩa Ba Tơ giành được thắng lợi, chính thức khai sinh một chính quyền và lực lượng vũ trang cách mạng đầu tiên của Quảng Ngãi.

Ngày 10-6-1945, Tỉnh ủy lâm thời Quảng Ngãi triệu tập hội nghị đại biểu, nhằm bàn công tác vận động quần chúng chuẩn bị khởi nghĩa giành chính quyền và bầu Tỉnh ủy, đồng chí Trương Quang Giao được bầu lại làm Bí thư. Mặc dù lúc này số lượng đảng viên của tỉnh chưa nhiều, nhưng Đảng bộ Quảng Ngãi dưới sự lãnh đạo của đồng chí đã từng bước thống nhất được ý chí và hành động, khơi dậy được quyết tâm cao, sáng suốt nắm bắt tình hình, lãnh đạo quần chúng nổi dậy giành chính quyền về tay nhân dân vào ngày 18-8-1945.
Từ khi Trung ương Đảng và Chính phủ thành lập Ủy ban Quân dân chính Nam Trung Bộ vào tháng 9-1945, đồng chí được cử làm Chính trị viên, phụ trách Mặt trận Nha Trang, Buôn Mê Thuột, góp phần cùng quân và dân địa phương đấu tranh chống địch lấn chiếm, bảo vệ chính quyền cách mạng non trẻ.

Để thống nhất chỉ đạo, chỉ huy và mở rộng thế trận rộng lớn chống giặc, tháng 11-1946, cấp trên quyết định Quảng Nam và Đà Nẵng nhập thành tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng và chỉ định Liên Tỉnh ủy, do đồng chí Trương Quang Giao - Thường vụ Xứ ủy Trung Kỳ, làm Bí thư. Bấy giờ, Quảng Nam - Đà Nẵng là địa bàn trọng yếu, thực dân Pháp đang mở rộng chiếm đóng ra các địa phương phía bắc sông Thu Bồn, đời sống của nhân dân gặp rất nhiều khó khăn. Tuy nhiên, với bản lĩnh, ý chí cách mạng đã được rèn luyện trong thực tế đấu tranh, đồng chí Trương Quang Giao đã bình tĩnh cùng Liên Tỉnh ủy đưa phong trào kháng chiến tỉnh nhà từng bước tiến lên. Từ năm 1946 đến năm 1949, đồng chí cùng với Liên Tỉnh ủy từng bước lãnh đạo quân dân trong tỉnh vượt qua khó khăn, chỉ đạo chuyển cơ quan về căn cứ an toàn, tránh những tổn thất, đấu tranh làm thất bại kế hoạch "đánh nhanh, thắng nhanh" của địch, trấn áp bọn phản cách mạng, xây dựng và củng cố chính quyền, xây dựng Đảng; vận động nhân dân ổn định sản xuất, xây dựng vững chắc vùng tự do, chuẩn bị điều kiện đẩy mạnh cuộc kháng chiến đến thắng lợi. Đặc biệt, những nơi khó khăn, phức tạp, như huyện Hòa Vang, đồng chí đều có mặt, phân tích tình hình rồi đưa vào những quyết sách đúng đắn.

Đầu năm 1949, đồng chí được điều động về công tác ở Liên khu V và tại Đại hội Đảng bộ Liên khu lần thứ nhất (tháng 3-1949), đồng chí được bầu vào Liên khu ủy, sau đó được cử đi học văn hóa ở trường Trung học cán bộ bình dân. Năm 1950, kết thúc khóa học, được cử về làm Bí thư Ban Cán sự tỉnh Đắc Lắc kiêm Chính ủy Trung đoàn 84 (thay đồng chí Đoàn Khuê), Chính ủy chiến dịch Nguyễn Huệ ở Đắc Lắc năm 1950. Tại Đại hội đại biểu Đảng bộ Liên khu 5 lần thứ hai (tháng 8-1951), được bầu vào Liên khu ủy 5 và đến năm 1952 bổ sung vào Ban Thường vụ Liên khu ủy 5.

Sau hiệp định Giơ-ne-vơ, đồng chí được cử làm Bí thư Liên khu ủy 5. Tháng 3-1955, được cử làm Phó ban Tổ chức Trung ương Đảng. Từ năm 1960 đến năm 1976, đồng chí được cử làm Phó Chủ nhiệm Ủy ban thống nhất Trung ương và là Ủy viên Ủy ban kiểm tra Trung ương Đảng, ủy viên Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Trong những năm công tác ở miền Bắc, mặc dù các nhiệm vụ được giao đều còn mới mẻ, song ở bất kỳ cương vị công tác nào, đồng chí cũng luôn nỗ lực phấn đấu, đóng góp nhất định vào nhiệm vụ lãnh đạo công tác chung của cơ quan, đóng góp nhiều ý kiến quý báu cho Đảng về đường lối cách mạng miền Nam, đường lối xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc...

Năm 1977, sau gần 50 năm hoạt động cách mạng liên tục, đồng chí  được Đảng, Nhà nước cho nghỉ hưu theo chế độ, cùng gia đình về an dưỡng tại thành phố Đà Nẵng và từ trần năm 1983.

Là một cán bộ thuộc thế hệ đầu tiên của Đảng, trong bất cứ hoàn  cảnh nào, đồng chí cũng đều lạc quan, tin tưởng ở thắng lợi của cách mạng. Thời kỳ hoạt động bí mật, tuy nhiều lần bị giam cầm tra tấn, đồng chí vẫn không hề khai báo, tiết lộ điều gì có lại cho Đảng cũng như lúc kháng chiến được Đảng phân công đến những địa phương và chiến trường xa, hay gặp hoàn cảnh khó khăn, phức tạp, đồng chí vẫn giữ vững lòng tin ở Trung ương Đảng, khắc phục mọi khó khăn, phấn đấu giữ vững phong trào.

Một đặc điểm đáng chú ý ở đồng chí Trương Quang Giao là luôn vận dụng sáng tạo các chủ trương, đường lối của Đảng vào đặc điểm của địa phương, đơn vị mình phụ trách. Đặc biệt, luôn nêu cao tinh thần dám nghĩ dám làm, dám chịu trách nhiệm, có quyết tâm cao, nỗ lực lớn, nhất là trong cuộc khởi nghĩa Ba Tơ. Một trong những khả năng công tác của đồng chí Trương Quang Giao luôn được bạn bè, đồng chí ghi nhận là về công tác tổ chức, cả về tổ chức nhân sự và tổ chức công việc. Công việc gì đồng chí cũng tổ chức một cách khoa học nên luôn đem lại hiệu quả cao;  cán bộ nào được đồng chí đề xuất bố trí đều phát huy tốt tác dụng. Lúc nào, đồng chí cũng suy nghĩ và tự đặt cho mình nhiệm vụ phải bảo vệ và giữ vững sự lãnh đạo tuyệt đối của Đảng, đặc biệt có những sự việc mới mẻ, theo đà phát triển tình hình và nhiệm vụ mới, mặc dù trình độ hiểu biết còn hạn chế song đồng chí nỗ lực, cố gắng nghiên cứu học tập nên dần dần nắm được và ngày càng thấm nhuần các chủ trương của Đảng.

Mặc dù chỉ công tác ở Quảng Nam trong gần 4 năm, nhưng với vai trò là người đứng đầu Đảng bộ, đồng chí Trương Quang Giao đã góp phần đáng kể vào những thắng lợi của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp trong những năm đầu tiên.

Truy tặng Huân chương Sao Vàng cho ông Trương Quang Giao

Sáng 29.6-2011, Ủy ban Kiểm tra T.Ư Đảng phối hợp với Tỉnh ủy Quảng Ngãi tổ chức lễ truy tặng Huân chương Sao Vàng - Huân chương cao quý nhất của Đảng và Nhà nước cho ông Trương Quang Giao - nguyên Bí thư Khu ủy Khu V, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam - Đà Nẵng, Phó trưởng ban Tổ chức T.Ư, Phó trưởng ban Thống nhất T.Ư, Ủy viên Ủy ban Kiểm tra T.Ư.

Dự lễ có ông Ngô Văn Dụ - Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư T.Ư Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra T.Ư; lãnh đạo 2 tỉnh Quảng Ngãi, Quảng Nam và TP Đà Nẵng.

COMMENTS
Chức năng này cần phải đăng nhập