site hit counter
HỘI ĐỒNG HỌ TRƯƠNG VIỆT NAM
Quan phủ thừa Trương Khánh Thụy (1827 - 1873)
20/04/2024 Tác giả: Trương Quang Phúc Lượt xem: 878
(Các bài viết khác của tác giả Trương Quang Phúc)
Theo gia phả Trương Trung ở Đồng Phú ,Đồng Hới , Quảng Bình; cụ Trương Khánh Thụy, huý Lắng là tổ đời thứ 6; sinh giờ Tuất ngày 25 tháng năm Đinh Hợi, niên hiệu Minh Mạng thứ tám (1827); mất ngày 10 tháng 6 ( nhuận ) năm Quý Dậu niên hiệu Tự Đức thứ hai mươi sáu (1873); là con thứ sáu của quan viên phụ Trương Quang Thống, cháu nội của quan Ngũ đội trưởng Trương Quang Châu, hậu duệ của quan Quản lãnh Trương Trung Hiếu (Triệu tổ của dòng họ Trương Trung).
Sinh ra trong một gia đình nối đời võ nghiệp, cụ là con trai út , trong sáu anh em trai, được cha mẹ, có chủ ý cho con học thêm chữ nghĩa thánh hiền. Trải mười năm sách đèn cung kiếm, cụ thi đỗ cử nhân , lúc 22 tuổi, khoa thi Kỷ Dậu tại trường thi Huế năm Tự Đức thứ hai (1849), đồng khoa với Nguyễn Thông và Phan Văn Trị (Nguyễn Thông đỗ cử nhân trường Gia Định). Nếu Nguyễn Đình Chiểu không phải bỏ thi về thụ tang mẹ thì có thể ông cũng là người đồng khoa .

Là một vị khai khoa (1) cho làng Trấn Ninh (2) cụ được hàng xã, hàng tổng trống dong cờ mở vào mãi tận xứ Hạ Cờ là nơi địa đầu tỉnh Quảng Bình tiếp giáp với Quảng Trị để nghênh tiếp vinh quy.
Sau lễ vinh quy bái tổ, cụ vào Huế nhận chức Hậu bổ ở bộ Lại ; cưới bà Tôn Nữ Thị Luyện (cùng tuổi Đinh Hợi - 1827), là con gái của cụ Thượng Tôn Thất Chiếu (ông nội của giáo sư bác sĩ Tôn Thất Tùng) làm trắc thất (3).

Trên bước đường thăng tiến, cụ từng là tri phủ Hà Trung (Thanh Hóa) - nơi quê cũ của bà trắc thất thuộc dòng họ Nguyễn Phước - nên ngài nắm rất rõ mọi mặt tình hình của hoàng triều .Sau, cụ được vào kinh Huế, nhậm chức phủ thừa. Trên cương vị đứng đầu ngành tư pháp của triều đình,cụ luôn cầm cân đúng mực, nên đã làm phật lòng không ít quan lại tha hóa và một số con nhà tôn thất hay cậy thế ức hiếp dân thường. Với tính khí cương trực công minh, đụng chạm quyền lợi bất minh của một số người ,bị chúng tư thù, thêu dệt điều xấu khi cụ mắc khuyết điểm nhỏ,nên bị cách chức cùng quan phủ doãn vì liên quan trách nhiệm.

Hai đầu xứ kinh kỳ mỗi người đi làm mỗi việc khác nhau.Quan phủ doãn gián tiếp mắc tội nên được ra kinh lý doanh điền khai khẩn tại xứ Cao Mại ở miền núi Quảng Bình, về sau được phục chức.Quan phủ thừa mắc tội để cho thợ rèn đúc tiền giả, nên đã phải "sung quân" (4) với hình thức "tiền xu hiệu lực" (5) dưới trướng quan khâm sai đại thần ,thống soái phò mã Hoàng Kế Viêm (6) đem quân ra Bắc giải vâycho quan trấn thủ Bắc Kỳ Nguyễn Tri Phương tại thành Hà Nội. Lúc còn là Nho sinh, cụ thường vào tập bài với Hoàng Kế Viêm,nên giữa hai người vốn có cảm tình .Khi đóng quân ở Sơn Tây, cụ Thụy được giao việc văn thư, dự mưu trong nội trướng, bàn kế sách lập công. Kết cuộc, tuy không cứu được cha con Nguyễn Tri Phương thất thủ thành Hà Nội, nhưng đã có công lôi kéo được tướng Cờ đen Lưu Vĩnh Phúc cùng chia quân phục kích giết được tướng giặc là Franc3is Garnier tại cửa ô Cầu Giấy, góp phần làm cho giặc Pháp chùn bước, phải rút quân , thành Hà Nội được giải phóng, nhân dân Bắc Kỳ thoát khỏi ách đô hộ của thực dân Pháp lúc bấy giờ.

Đau đớn thay, vừa chiến thắng trận đầu, bởi lao tâm khổ tứ, vì thủy thổ bất phục cho nên ngài đã lâm trọng bệnh và qua đời vào tuổi 46.Thống soái phò mã Hoàng Kế Viêm và các tướng sĩ vô cùng thương tiếc đã long trọng làm lễ nhập quan rồi chuyển linh cửu của ngài từ Sơn Tây về an táng tại xứ Sa Động thuộc địa phận làng Phú Ninh, tổng Thuận Lý, huyện Phong Lộc, phủ Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình là nơi ngài đã được sinh ra và lớn lên để làm rạng danh thêm cho dòng họ Trương Trung cũng như cho làng xã nơi đây.

Linh cữu của ngài khi vào đến Thanh Hóa thì dừng lại để tế đạo trung. Đích thân quan tổng đốc tỉnh Thanh Hóa (em trai của bà Trắc Thất – tức em vợ của ngài) đã đứng làm chủ tế. Sau một ngày đêm tế lễ (có cả đại biểu của phủ Hà Trung cùng lên hiệp tế), linh cữu của ngài được tiếp tục rước về đến Đèo Ngang lại được các hào mục chức sắc của hàng tổng, hàng xã nơi quê hương Phú Ninh của ngài ra đón tiếp về làng làm lễ tang trọng thể suốt ba ngày đêm. Trong lễ truy điệu tiễn đưa ngài, quan Bố chánh sứ Quảng Bình đã đọc điếu văn nói lời vĩnh biệt. Hiện nay tại xứ Đồi Phê thuộc địa phận phường Đồng Phú, mộ cải táng của hai ông bà được đặt liền kề bên nhau ở trong khuỷnh lăng của dòng họ mặc dầu bà trắc thất mất sau ngài đến những bốn mươi năm (bà Tôn mất năm Tân Hợi - 1911) và đã ở Quảng Bình để thờ chồng, nuôi dạy con cháu cũng chừng ấy năm trời. Khi từ Huế ra Quảng Bình để chịu tang người chồng yêu kính, trong hành lý của bà có cả củi nè (cành tre khô) ở quê Nguyệt Biều (Thừa Thiên - Huế) đựng trong cái hòm xe bốn bánh gỗ. Điều đó,chứng tỏ trong suốt thời kỳ làm quan từ ở các địa phương cho đến khi làm quan to ở kinh thành, gia đình ngài vẫn sống cần kiệm và liêm chính đến mức nào.


---------------------------------
(1) Khai khoa: người đỗ đạt đầu tiên ở một địa phương.
(2) Trấn Ninh: địa danh cổ; nay là phường Đồng Phú thuộc thành phố Đồng Hới, tỉnh Q
uảng Bình.
(3) Trắc thất: vợ thứ hai nhưng không phải là đứng sau mà là đứng ở phía bên trái của vợ cả khi tế lễ gia tiên.
(4 - 5): Đi làm lính, lấy thân đi trước lấy sức ra chống giặc (đi tiên phong trong các trận đánh)
(6):Người làng Văn La nay là thôn Văn La xã Lương Ninh huyện Quảng Ninh nằm trên đường quốc lộ 1A cách thành phố Đồng Hới khoảng 5km về phía Nam. Văn La là một trong 8 danh hương ở Quảng Bình (Sơn- Hà - Cảnh - Thổ - Văn - Võ - Cổ - Kim).

COMMENTS
Chức năng này cần phải đăng nhập