site hit counter
HỘI ĐỒNG HỌ TRƯƠNG VIỆT NAM
Trương Hán Siêu và bài thơ trên Núi Thuý
26/04/2024 Tác giả: Lượt xem: 2488
(Các bài viết khác của tác giả )
Trương Hán Siêu (?-1354). Quan chức; nhà văn; tự là Thăng Phủ, người làng Phúc Thành, huyện Yên Ninh, lộ Trường Yên (nay là xã Phúc Am, huyện Yên Khánh, tỉnh Ninh Bình).
Thuở bé Ông là môn khách của Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn, lập được công trạng trong hai lần chống quân Nguyên, được Hưng Đạo Vương tiến cử lên triều đình. Năm 1308, thời Trần Anh Tông ông được bổ chức Hàn lâm học sĩ, sau được thăng lên chức Hành khiển. Năm 1339 giữ chức Môn hạ hữu tư lang trung. Mùa thu 1341 theo lệnh vua (Thiệu Phong thứ nhất đời Trần Dụ Tông), ông cùng Nguyễn Trung Ngạn soạn hai bộ sách Hình luật thư và Hoàng triều đại điển. Năm 1342 hạ xuống chức Tả tư lang trung kiêm Kinh lược sứ Lạng Giang. Năm 1345 thăng chức Tả giám nghị đại phu. 1351, thăng chức Tham tri chính sự. Năm 1353 được giao cầm quân đánh dẹp phía Nam và chấn thủ Châu Hóa (vùng Huế ngày nay). Năm 1354 xin trở về triều, được chuẩn y, chưa kịp thì mất. Được truy phong chức Thái bảo.

Trương Hán Siêu là một học giả uyên thâm, có tư tưởng tôn Nho bài Phật, đề cao ý thức quốc gia, được các vua Trần tôn quý như bậc thầy. Cũng như Chu Văn An, ông được thờ ở Văn Miếu quốc gia, ngang với các bậc hiền triết đạo Nho (1). “Hán Siêu là người chính trực, bài bác đạo Phật, tu sửa mình trong sạch, giữ bền khí tiết, không vụ hiển đạt” – Lời của Phan Phu Tiên khen chê về những người được đưa vào thờ ở Văn Miếu (2).

Trước tác của ông còn lại 1 bài phú, 7 bài thơ trong đó có bài “Dục Thúy Sơn”. 2 bài văn xuôi chữ Hán trong đó có bài “Dục Thúy Sơn Linh Tế tháp ký” mang tinh thần đề cao việc xây dựng các thắng tích của đất nước.

Núi Thúy còn có tên là Dục Thúy Sơn hay Núi Non Nước, nằm bên bờ hai con sông, sông Đáy và sông Vân Sàng. Tạo nên cảnh đẹp sơn thuỷ hữu tình, trở thành biểu tượng “sông Vân núi Thuý” của Ninh Bình. Nơi xưa kia Lê Hoàn – Dương Vân Nga đã từng dưới trăng cùng thưởng ngoạn cảnh non nước mây trời núi Thúy sông Vân... Núi Thúy còn đẹp bởi ở Việt Nam ta chưa có ngọn núi nào “khoác” trên mình gần bốn chục bài thơ, và không ít những nhà thơ nổi tiếng như: Tản Đà Nguyễn Khắc Hiếu, Tam Nguyên Yên Đổ Nguyễn Khuyến, Trương Hán Siêu... đã để lại những trang tuyệt bút văn thơ về ngọn núi Thúy thần tiên ấy. Họ “khắc” nỗi niềm vào núi non sông nước mà gửi gắm tâm tư...

           Bài thơ Dục Thúy Sơn khắc thạch:

           Phiên âm:

                            Sơn Sắc chính y y

                            Du nhân hồ bất quy

                            Trung lưu quang tháp ảnh

                            Thượng giới khải nham phi

                            Thù thế như kim biệt

                            Nhàn thân ngộ tạc phi

                            Ngũ hồ thiên địa khoát

                            Hảo phong cựu ngư ky

           Dịch thơ:

                         Xanh xanh sắc núi một màu

                        Hỏi chàng du tử chơi đâu cho đành

                        Giữa dòng bóng tháp long lanh

                        Mé trên cửa đá thiên thành mở ra

                        Ngán rồi phù thế lánh xa

                       Nay nhàn mới biết trước ta lầm rồi.

                       Ngũ Hồ trời đất rộng khơi

                      Dạo tìm bến cũ ta ngồi buông câu.

                                                                         Đỗ Huy Vinh dịch (3)

Trương Hán Siêu là nhân vật sáng danh đã được tôn vinh thờ phụng. Song nhìn lại cả cuộc đời quần thần vương giả chói lọi, nhưng không ít thác ghềnh thăng giáng... Phải chăng ông đã ký thác trong thơ mình lưu vào sử sách nỗi đau nhân thế... Thù thế như kim biệt / Nhàn thân ngộ tạc phi – Ngán rồi phù thế lánh xa / Nay nhàn mới biết trước ta lầm rồi.

Thật cảm động !

 

 Phạm Ngọc Khảnh


 

______________________________________________

(1) Tham khảo từ điển Văn học Việt Nam. Từ nguồn gốc đến hết thế kỷ XIX (Lại Nguyên Ân, Bùi Văn Trọng Cường – NXB Giáo dục- 1999)

(2) Danh nhân Hà Nội – Hội Văn nghệ Hà Nội – Xuất bản 1973

(3) Đỗ Huy Vinh (1924-2006) hội viên Hội Văn nghệ Dân gian Việt Nam. Nguyên tác dịch.

COMMENTS
Chức năng này cần phải đăng nhập