site hit counter
HỘI ĐỒNG HỌ TRƯƠNG VIỆT NAM
Người Họ Trương trong cộng đồng dân tộc Thổ (tỉnh Nghệ An)
24/04/2024 Tác giả: Lượt xem: 1028
(Các bài viết khác của tác giả )
Dân tộc Thổ tỉnh Nghệ An có hơn 80.000 người, sinh sống chủ yếu ở các huyện miền núi phía Tây Bắc: Quỳ Hợp, Nghĩa Đàn, Thái Hòa và Tân Kỳ... Từ khoảng thế kỷ XV đến thế kỷ XVIII, đa số có nguồn gốc là người Kinh từ các huyện đồng bằng miền xuôi do hoàn cảnh xã hội di dân lên đồng hóa với số người Cuối và người Mường từ Thanh Hoá vào Người Thổ có nhiều dòng họ, trong đó Họ Trương là một họ lớn chiếm số đông trong cộng đồng, tiếp đến là các họ Lê, Nguyễn, Lang Phạm,Trần, Đinh…
Bản làng của người dân tộc Thổ sống chủ yếu tập trung ở những nơi có mó nước hoặc khe suối, theo từng cụm và theo từng dòng họ nhóm người. Ngày trước đồng bào Thổ ở nhà sàn và nhà trệt lợp tranh như người Kinh. Nhà sàn dân tộc Thổ gần giống nhà sàn người Mường. Nay phần lớn đã ở nhà trệt theo kiểu miền xuôi nhưng cách bố trí trong nhà vẫn theo truyền thống dân tộc mình. Trong tất cả các làng của người Thổ đều có đền miếu thờ các vị thần và thành hoàng làng. Có làng thờ tới 15 vị thần. Mỗi nghề lại thờ một vị thần với những hình thức nghi lễ riêng. Những thày  mo,  sư sãi có vị vị trí khá cao trong cộng đồng. Quan niệm của đồng bào cho rằng vạn vật đều có linh hồn. Khi có người ốm, người ta cúng “vía mụ bà” và buộc “vòng vía” cho bệnh nhân.
Về hôn nhân, người Thổ có tục "ngủ mái". Con trai, con gái nằm ngủ rất trong sáng, nói chuyện để hiểu nhau, bố mẹ của cô gái cũng tạo điều kiện, dành một phòng riêng cho 2 người. Từ những đêm "ngủ mái" đó, họ quyết định bạn đời cho mình. Tục cưới xin của người Thổ có rất nhiều nghi lễ như dạm ngõ, đi hỏi, xin cưới, rước dâu... Cô dâu, khi được rước dâu qua cổng nhà chồng thì phải rửa chân mới được vào nhà làm lễ cúng tổ tiên, ông bà. Trang phục của cô dâu trong ngày cưới bắt buộc phải có nón và dép mới.
Phong tục ma chay của người Thổ trước kia có nhiều nét độc đáo, đặc biệt nhất là múa lang bang khi có người qua đời. Múa lang bang do đội phường thực hiện. Nó giống như một cuộc diễn lại cả cuộc đời của người đã chết, từ lúc sinh ra, lớn lên, lấy vợ, những công việc thường làm... Khi có người trong làng mất, tất cả mọi người đều đến tập trung, mỗi nhà mang theo một con gà, hoặc một con lợn để cúng viếng.
Người Thổ rất coi trọng lễ xuống đồng (cầu móng) đầu năm mới, lễ cúng cơm mới, lễ mừng nhà mới…với những nghi thức trang trọng. Hàng năm vào dịp lễ xuống đồng, làng chọn một người đàn ông khoẻ mạnh làm ăn khấm khá để  phát nhát dao đầu tiên, chọc lỗ tra hạt giống đầu tiên(gọi là chủ giống).
Công cụ sản xuất điển hình là chiếc “cày nại” (cần nọn) gần giống chiếc cày chìa vôi của dân tộc Kinh. Ngoài ra còn có chiếc gậy chọc lỗ tra hạt “cần nón”, “tắm rói”. Đây là công cụ điển hình của phương thức canh tác nương rẫy.
Ngoài chăn nuôi và sản xuất nông nghiệp, người Thổ còn rất giỏi săn bắn và đánh bắt cá. Từ xưa họ đã có hình thức săn bắt tập thể bằng các loại bẫy sập, bẫy thòng lọng, bẫy lưới… có thể bắt được cả những loại thú lớn như voi, hổ, bò tót…
Không những giỏi săn bắn thú rừng, người Thổ còn rất giỏi đánh bắt cá trên các ao hồ, sông suối. Nghề đánh bắt cá bằng những dụng cụ đánh bắt đặc trưng khá đa dạng như chài lưới, đăng, xúc....
Mùa nào thức ấy. Các món ăn từ cá: cá nướng; cá hông; cá hấp; cá chua; cá ướp…; các món ăn từ thịt: thịt nướng; thịt chua…Các món ăn từ các loại măng rừng: Măng đắng nấu canh bồi (canh nấu có rắc bột gạo tẻ vào). Măng nứa chấm chẻo quả “Nhau’’ rừng.  Nấm mộc nhĩ xào măng, Măng Giang nướng cùng các loài nấm gói lá chuối rừng. Măng tre, măng nứa ngâm chua nấu với cá, cua, tôm, ốc. Hỏ mọc trứng kiến đen. Các món ăn nấu từ “chẻo bon” (được làm ra từ lá môn rừng ở dọc các khe suối).


Dân tộc Thổ nổi tiếng với nghề trồng gai và chế biến các sản phẩm từ cây gai như võng, lưới săn thú, lưới đánh cá... Họ đem những đồ dùng này để đổi lấy thứ mình không làm ra được, chủ yếu là quần áo, vì người Thổ không biết dệt vải. Đàn ông thường mặc giống người Kinh, phụ nữ có sự khác biệt tuỳ theo từng vùng, có nơi mặc váy Thái, váy dài có có sọc viền chân váy (vùng Quỳ Hợp, Tân Kỳ và một số địa phương thuộc Nghĩa Đàn và thị xã Thái Hòa như ở vùng làng Đong, làng Lụi...). Có nơi váy như của người Kinh (vùng Lâm La—Nghĩa Đàn). Áo của phụ nữ Thổ thường là loại áo 5 thân màu nâu hoặc trắng gần giống với áo của người Kinh.
    Dân tộc Thổ có nhiều truyền thuyết, chuyện cổ tích mang đậm dấu ấn dân tộc mình được lưu truyền qua các thế hệ theo lối “kể đắng” (kể chuyện) như Sự tích lèn Chành Đanh, Hòn đá củ xôi, Mèo và diều… Hầu như làng nào cũng có một vài người có khả năng “kể đắng” rất diễn cảm. Người Thổ vẫn còn giữ và phổ biến nhiều làn điệu dân ca, dân vũ độc đáo: Đu đu điềng điềng, Ên ên—Ạc ạc, hát Thuôm, hát ghẹo, hát cuối, hát dặm, múa sạp, múa nón… Cùng với những nhạc cụ truyền thống như sáo, khèn, người Thổ còn có cây đàn Thổ (gần giống cây đàn đáy của người Kinh), đặc biệt là cây đàn Tính tang -loại đàn được làm từ một ống tre có hai dây bằng chính thanh cật tre tước ra và căng ngay trên phần mặt có cữ tăng giảm âm vực, sử dụng bằng cách dùng một thanh tre nhỏ có bọc vải một đầu gõ lên nh ưngx âm thanh rất hay. Từ nhạc cụ đơn giản này, hiện tại một số nghệ nhân dân tộc Thổ tại Quỳ Hợp đã cải tiến thành một giàn đàn gồm 8 ống dài ngắn theo cung bậc với cách sử dụng như với loại đàn Tam thập lục…
Trong mọi gia đình, dòng họ đều có những dàn cồng chiêng. Ông Trương Công Yến (xóm Bàu Sen, xã Giai Xuân,  huyện Tân Kỳ) là người chơi được các loại nhạc cụ: cồng, chiêng, trống, kèn...cho biết: " Nơi đây, vào dịp từ mùng 1 đến mùng 7 Tết thì rộn ràng lắm. Tiếng cồng chiêng, tiếng kèn, tiếng hát đối, tập tính tập tang... thâu đêm suốt sáng. Thi nhau chơi các trò chơi đánh đu, ném còn... Trẻ con, nhờ những ngày lễ Tết như thế này mà bắt chước, rồi học các điệu hát, chơi các loại nhạc cụ truyền thống của dân tộc mình, không cần ai phải dạy cả. Ngày xưa, tôi cũng học như thế, giờ con tôi cũng thế, truyền miệng với nhau thôi". Tết của người Thổ cơ bản cũng được tổ chức như của người Kinh. Dịp Tết, đồng bào dân tộc Thổ dùng  nếp trắng vừa thơm, vừa dẻo để gói bánh chưng  và “bánh đầu chó”. Họ còn làm lễ, cho trâu bò ăn bánh, để trả ơn cho con trâu suốt năm vất vả giúp người.

Từ tháng 12/1973 thể theo đề nghị và căn cứ vào những phong tục tập quán, sinh hoạt… tộc danh Thổ được Nhà nước chính thức công nhận là một dân tộc riêng biệt nằm trong đại gia đình các dân tộc Việt Nam

                             Kinh Bc biên soạn
     (theo Báo Nghệ An Online và tài liêụ Dân tộc học Việt Nam)

COMMENTS
Chức năng này cần phải đăng nhập