site hit counter
HỘI ĐỒNG HỌ TRƯƠNG VIỆT NAM
Đình Minh Lệ (tỉnh Quảng Bình) Thờ Thượng Tướng quân Trương Hy Trọng
10/11/2024 Tác giả: Lượt xem: 10950
(Các bài viết khác của tác giả )
Đình Minh Lệ cách thị trấn Ba Đồn chừng 6km về phía Tây Nam, cách ga Minh Lệ khoảng 400m về phía Đông Bắc. Xưa di tích thuộc thôn Minh Lệ, tổng Thuận Thị, phủ Quảng Trạch, nay thuộc làng Minh Lệ, xã Quảng Minh, huyện Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình. Nơi đây 4 vị Thần Tổ của bốn dòng họ: Trương, Nguyễn, Hoàng, Trần đã khai cơ làng, đặc biệt là Trung lang thượng tướng quân triều Lê sơ: Trương Hy Trọng (còn gọi là Trương Đức Trọng).
Ngài tên thật là Trương Công Chấn (quê ở xã Phả Lại, tỉnh Hải Dương) - hậu duệ đời thứ 6 của Trương Công Án (làm Tham lang tướng ở phủ Tể tướng Trần Quang Khải - đời Trần). Ngài có công dẹp giặc Chiêm thành và chiêu dân khai phá đầm lầy, sáng lập ra xã Thị Lệ gồm 5 thôn: Minh Lệ (Quảng Minh ), thôn Đoài (Diên Trường - Quảng Sơn), Vĩnh Ninh (Hoà Ninh - Quảng Hoà), Vĩnh Phước, Vĩnh Lộc (Quảng Lộc).
       Khu di tích đình Minh lệ gồm: cổng, thành bao, sân, bình phong, đình trung và đình hậu. Đình trung có 4 mái, hai mái trước sau và hai mái hồi. Trên đình, giữa mái có lưỡng long chầu nguyệt, hai góc mái là hình hai con Rồng lượn nhưng đã được cách điệu bằng hoa lá, đầu ẩn trong lá. Bốn góc mái là hình Rồng lượn vuốt cong, nâng mái lên cao uyển chuyển, giữ hai đường mái trước là hình khối của những con Lân. Gian giữa thông với hai gian hai bên bằng 3 cửa vòm và thông với đình hậu cũng bằng ba cửa vòm. Đình Minh Lệ được xây dựng công phu: cấu trúc hệ thống cửa vòm, các hình khối rồng - phượng,  các bức vẽ, chạm khắc ...
Đình làng Minh Lệ được xây dựng vào năm 1464 dưới thời Lê sơ. Và trải qua nhiều đợt trùng tu trong đó có: năm Bảo Đại nhị niên,  năm 1995, năm 2011.
Sinh thời, cụ Hoàng Thiện Dưỡng (dân làng thường gọi là cụ Bát Dưỡng) - một trong những người tham gia làm đình năm 1923 kể lại. “Trước đây đình làm bằng cột lim, lợp vọt, hàng năm các họ phải thay phiên nhau sửa sang lại đình. Đình mới làm lại được xây bằng vôi trộn mật mía và sợi dây tơ hồng giã nhuyễn nên các hoa văn vẫn sắc nét mà không bị mài mòn bởi nắng mưa. Ngày làm đình người đông như hội. Ai cũng muốn có từ đường chung, làm nơi thờ cúng và sinh hoạt của cộng đồng làng xã thật khang trang. Việc làm đình được sự nhất trí cao của toàn dân, ai cũng muốn góp công, góp quỹ. Những người dân quê mộc mạc, chân chất, tuy nghèo đói, thiếu thốn nhưng đối với công việc làng nước, quê hương thì muôn người như một”.
Đình Minh Lệ  không chỉ có ý nghĩa trong việc nghiên cứu một công trình kiến trúc nghệ thuật của địa phương mà còn là nơi ghi dấu trang sử hào hùng gắn liền với những sự kiện lịch sử tiêu biểu của quê hương đất nước. - Đình làng
Trước Cách mạng tháng Tám, đình làng Minh Lệ không chỉ là nơi thờ tự mà còn là nơi liên lạc, hội họp của chi bộ Đảng (ở làng Minh Lệ có các cụ Nguyễn Xừ, Nguyễn Sính được kết nạp Đảng từ năm 1936 - 1937). Các đồng chí Nguyễn Văn Tế (tức Nguyễn Văn Huyên) là một trong 13 đại biểu dự hội nghị thành lập Ban thống nhất Đảng toàn tỉnh Quảng Bình tại chùa An Xá (Lệ Thuỷ - Quảng Bình); đồng chí Nguyễn Sĩ Đồng (tức Trung tướng Đồng Sĩ Nguyên) - Vị tướng gắn liền với con đường Hồ Chí Minh huyền thoại, sau khi dự hội nghị Việt Minh toàn tỉnh cũng đã về chỉ đạo, tổ chức, phát động quần chúng, nhân dân chuẩn bị tổng khởi nghĩa tại đình làng. Cách mạng tháng Tám (năm 1945 bùng nổ, toàn dân nô nức đi cướp chính quyền ở xã và huyện đường rồi kéo về mít tinh tại đình làng. Trong 9 năm kháng chiến, đình là nơi huấn luyện quân sự cho dân quân tự vệ xã Quảng Minh. Đã nhiều lần, các chiến sĩ cách mạng trốn địch trên mái đình hậu. Người đội viên du kích Hoàng Đức (Cồn Vượn - Quảng Minh) khi bị địch vây bắt giữa Rôộc Đình, anh đã chạy vào trong đình làng. Anh nhảy lên nằm ở trên mái am. Nhờ anh linh của các bậc thần nhân ở đình đã che chở, phù hộ mà anh thoát khỏi họng súng của quân thù.
Từ năm 1951 đến khi hoà bình lập lại, đình làm lớp học cho con em Quảng Minh khi chưa kịp xây dựng trường. Giặc Mỹ leo thang bắn phá miền Bắc, đình là kho chứa vũ khí để cung cấp cho chiến trường miền Nam và chín xã vùng Nam Quảng Trạch.
Trong những năm kháng chiến chống Mỹ cứu nước, làng Minh Lệ là trạm trung chuyển Bắc - Nam. Làng trở thành “ toạ độ lửa”. Giặc Mỹ tập trung đánh phá làng Minh Lệ, chúng thả bom na pan, phốt pho đốt trụi xóm Nam, ném bom, bắn hoả tiễn, rốc két xuống xóm Bắc. Bom đánh sập thành bao nhưng ngôi đình vẫn an toàn, kho đạn vẫn không hề hấn gì.  Năm 1992, đình làng Minh Lệ đã được Nhà nước công nhận, xếp hạng là di tích lịch sử văn hoá Quốc gia. Nhà nước đã cấp kinh phí 900 triệu để trùng tu lại ngôi đình.
Hàng năm, đến dịp lễ tết người dân Minh Lệ dù ở Hà Nội, Hải Phòng hay Thành phố Hồ Chí Minh, Vũng Tàu, Cà Mau...đều về quê và không quên thắp hương khấn vái Thành hoàng làng Trương Hy Trọng và các vị Thần Tổ. Nhiều người học hành đỗ đạt (học sinh, sinh viên, giáo sư, Tiến sĩ) tụ hội tại  đình làng dâng hương hoa để làm lễ “vinh quy bái tổ”. Đây là một nét đẹp nhân văn của tinh thần “Uống nước nhớ nguồn”.

Chuyện kể rằng: Ngày ấy trên sông Nan, sông Son ( hai nhánh của sông Gianh- Linh Giang) có một khúc sông cạn, hẹp, đại quân và voi, ngựa của ngài Trương Hy Trọng lội qua bờ Nam đi đánh giặc Chiêm thành nên người ta gọi là Bến Lội. Bến Lội cách cầu Minh Lệ ngày nay chừng 500 mét về phía tây. Dẹp xong giặc ngài đã cùng ba quan dưới quyền, đứng đầu ba dòng họ: Nguyễn, Hoàng, Trần, lấy vùng đất Hạ Yên Trạch (Bắc Minh Lệ) làm nơi kết nghĩa anh em. Ca ngợi công lao của Trương Hy Trọng trên lăng mộ ngài, gọi là miếu Tổng Lang, có các câu: “Bình Lồi thiết xã” (đánh giặc Lồi, chiêu tập làng xã) và “Bố võ tuyên văn” (Con người văn võ song toàn). Trong bái đường của ngài có câu đối: “Xã hiệu khai trương Thiên cổ ngưỡng - Thần công biểu hiện lịch triều phong”(Tên làng xã đã được mở ra, ngàn năm trông ngóng về đó. Công lao của Thành hoàng được các triều vua nối tiếp nhau phong sắc). Năm 1792, vua Lê truy phong  cho ông “Cai tri phương tước hầu”. Năm Quang Trung thứ hai, ông đã được phong sắc Trung lang thượng tướng quân. Dân hai xã Quảng Minh, Quảng Hoà vẫn còn lưu truyền câu ca: “Mồng một xủi mả Tổng lang. Mồng hai xủi mả cả làng nhà ta”.
 Ngài Trương Hy Trọng được coi là Thủy tổ của tộc Trương làng Minh Lệ. Vợ chồng ngài sinh ra được 4  con trai : Trưởng nam Trương Đức Vân (Vô hậu), Trương Đức Thắng,  Trương Đức Mị, Trương Đức Lại. Tính từ ngài đến nay, tộc Trương  đã được 22 đời.
                          
 
                  Kinh Bắc biên soạn (theo gia phả và một số sử liệu)
COMMENTS
Chức năng này cần phải đăng nhập