Hướng tới Đại hội Họ Trương tỉnh Quảng Bình |
||||
---|---|---|---|---|
01/11/2024 | Tác giả: | Lượt xem: 4595 | ||
(Các bài viết khác của tác giả ) | ||||
Chào mừng Đại hội Họ Trương tỉnh Quảng Bình sẽ diễn ra vào ngày 8/12/2013 (tức Chủ nhật, mồng 6 tháng 11âm lịch, năm Quý Tỵ). BBT website: truongtoc.vn xin lần lượt giới thiêụ những bài viết về gia phả, di tích và các nhân vât tiêu biểu của các tộc Trương trên địa bàn Quảng Bình xưa và nay để bà con, độc giả gần xa cùng tham cứu tư liệu, kết nối tình thân tộc... |
||||
Tộc Trương Phúc ở Trường Dục – Quảng Bình với công cuộc xây dựng, bảo vệ bờ cõi phương Nam Địa bàn Quảng Bình đóng vai trò quan trong trong chiến lược mở mang bờ cõi phương Nam và luôn chiếm của họ Nguyễn trong chiến tranh Trịnh - Nguyễn. Lãnh nhận sứ mệnh bảo vệ vùng đất ở vị thế tiền tiêu, những nhân vật tướng lĩnh của tộc Trương ở Trường Dục (Xã Hiền Ninh, huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình) đã trực tiếp tham gia chỉ huy 7 trận chiến lớn nhỏ với quân Trịnh trên đất Quảng Bình và Nam Nghệ Tĩnh, trong đó cóchiến lũy Trường Dục (còn gọi là lũy Trấn Ninh hay lũy Thày). I/ NHỮNG CHIẾN TƯỚNG TRÊN CHIẾN LŨY TRƯỜNG DỤC - QUẢNG BÌNH 1. Lương quận công Trương Công Dà Liệt truyện ghi tên ông là Gia (đời thứ 2) - con của Trương Đạo Phát Chân Nhân theo Tiên chúa Nguyễn Hoàng vào Nam, nhập tịch huyện Phong Lộc, tỉnh Quảng Bình. Ông có công phò Lê, diệt Mạc, được phong tước Lương quận công, chức Điện tiền Đô kiểm điểm. Người em của ông là Trương Công Trà cũng được phong Phó tướng tước Mỹ quận công. Trương Công Dà và em Trương Công Trà là những người mở đầu làm nổi danh tộc Trương khi bắt đầu dựng nghiệp trên đất Quảng Bình. Trương Công Dà là người thực thi xây dựng chiến lũy tại đây theo kế hoạch xây dựng các phòng tuyến chống Trịnh do Đào Quy Từ vạch ra và trực tiếp tham gia chống Trịnh trong đợt đụng độ đầu tiên năm 1627 giữa hai thế lực Trịnh - Nguyễn. 2. Phấn Vũ Hầu Trương Phúc Phấn Trong gia phả ghi tên là Trương Phúc Côn (hay Phúc Khoa (đời thứ 3). Xuất thân từ Cai cơ dưới thời Nguyễn Phúc Nguyên (1613-1635). “Tháng 6-1630, chúa lập dinh Bố Chính, lập sổ dân đinh, đặt 24 đội thuyền. Trương Phúc Phấn làm Trấn thủ dinh Bố Chính, tước hiệu là Phấn quận công”. Lũy Trường Dục ở làng quê ông là tuyến phòng thủ thủy bộ ở ngả ba sông, tả Kiến Giang, hữu Long Đại – Thạch Giang hợp lưu tại ngả ba Đuồi Diện – Trần Xá xuôi về Nhật Lệ. Là chiến lũy, nơi đây trải 42 năm từ 1630 đến 1672 với 5 trận chiến 1633, 1648, 1660, 1662, 1672; đặc biệt là trận 1648, hai cha con là Trương Phúc Phấn và Trương Phúc Hùng đã dũng cảm kiên cường trụ giữ thành lũy không cho quân Trịnh chọc thủng phòng tuyến. Sách “Đại Nam nhất thống chí” (Sử quán Triều Nguyễn (SQTN) –NXB Thuận Hóa, Huế – 2006), Tập 2, trang 81 chép: “Phấn là người có võ lược, trước làm Cai cơ, sau thăng trấn thủ dinh Bố Chính, gặp lúc phản tướng là Nguyễn Khắc Loát quấy rối ở châu Nam Bố Chính, Phấn cùng Nguyễn Cửu Kiều đánh đuổi chiếm lấy hết đất Bắc Bố Chính, vừa lúc quân Trịnh xâm lấn, Phấn giữ lũy Trường Dục, Quân Trịnh đánh hăng, các quân sợ hãi bỏ chạy mười phần mất bảy tám phần, Phấn thúc trống phất cờ một mình đem quân bộ thuộc đánh dữ, giặc phải lui, lũy chỗ nào bị sạt thì Phấn thúc quân bồi đắp. Giặc ở xa bắn đạn rơi xuống như mưa, Phấn vẫn giương lọng ngồi yên không hề dao động, bên địch cho là thần, gọi là Phấn cố trì nghĩa là “Phấn cố giữ”” “Quảng Bình địa dư ca” của Trần Kinh ngợi khen : “ Phúc Phấn là tướng hùng phi, Đánh quân Trịnh tặc vậy thì hiển danh Sau khi Phấn Vũ Hầu Trương Phúc Phấn mất, năm (1805), vua Gia Long bàn định đẳng cấp các vị Khai quốc Công thần, ông được suy tôn lập công thần hạng hai, được cấp 6 mẫu tự điền, 3 người chăm sóc lăng mộ. 3.Đốc chiến Quận côngTrương Phúc Hùng Gia phả ghi tên là Trương Phước Sơn (đời thứ 4), là con trưởng của Phấn Vũ Hầu Trương Phúc Phấn.Ông tham gia nhiều chiến trận ác liệt trên đất Quảng Bình. Tại trận chiến chống quân Trịnh trên lũy Trường Dục năm Mậu Tý –1648 – vị tướng trẻ Trương Phúc Hùng sát cánh cùng cha cố giữ chiến lũy. Theo “Trấn nhân tiền liệt biểu”( tác giả Ngô Thời Đôn) : “Năm Ất Mùi (1655), ông đốc suất quân bản quận theo Tiết chế Nguyễn Hữu Tiến đánh Trịnh. Ông đưa quân đến xứ Lòng Bong (Lòn Bon?)9. Người Trịnh nghi ngờ, ông bèn kéo lui. Tháng 10, quân Trịnh sắp vào vùng Kỳ Anh, đuổi hàng dân đem về. Nguyễn Hữu Tiến sai Thiêm Vinh làm Tiên phong, ông làm Vệ trận ra Thạch Hà khiêu chiến, đại phá được giặc. Ông kiên dũng thường đi trước hãm trận khiến cho không người Bắc nào không sợ, họ gọi ông là Hùng sắt. Năm Canh Tý (1660), ông cùng giặc giao chiến. Giặc cho trâu phá lũy. Thấy thất lợi, Nguyễn Hữu Tiến bèn kéo binh về Nam. Năm Giáp Thìn (1664), mùa hạ, ông được thăng Chưởng cơ Trấn thủ dinh Bố Chính, rồi dời vào làm Trấn thủ dinh Quảng Bình”. Sau trận chiến ấy, Trương Phúc Hùng được chúa Nguyễn ban tặng tước Hùng Lộc hầu rồi Đốc Chiến Quận công và được chúa Nguyễn bố trí vào những nhiệm vụ quan trọng. Sách “Phủ biên tạp lục” (tác giả Lê Quý Đôn) trang 55 ghi: “Năm Quý Tỵ (1653) Vua nước Chiêm Thành là Bà Tầm quấy rối đất Phú Yên. Sai Cai cơ Hùng Lộc hầu (Trương Phúc Hùng)làm Tổng binh, xá sai Minh Võ làm tham mưu đem 3000 quân đi đánh. Đến phủ Phú Yên ngày 3 tháng 4, nhân đêm qua đèo Hổ Dương núi Thạch Bi, ruổi thẳng đến trại Bà Tầm, phóng lửa đánh gấp, phá tan, đuổi dài đến sông Phan Lang. Bà Tầm sai con là Xác Bà Ân nộp lễ xin hàng. Phúc Tần cho, bắt chia địa giới, lấy đất từ phía đông sông ấy đến Phú Yên đặt làm hai phủ Thái Khang và Diên Ninh, đặt dinh trấn thủ Lập dinh trấn thủ Thái Khang (dinh Trấn Biên). Phía tây sông vẫn là nước Chiêm Thành, khiến giữ bờ cõi và nộp cống”. Trương Phúc Hùng - người đầu tiên lập địa bàn hành chinh để chính thức hóa vùng đất Trấn Biên( Khánh Hòa ngày nay) nhập vào lãnh thổ Đại Việt ở phương Nam năm 1653. Ghi nhớ ân đức của ông, hơn 3 thế kỷ nay người dân bản xứ tôn thờ ông làm Thành hoàng. Khi bàn định đẳng cấp công thần, ông được vua Gia Long liệt vào hạng nhì, được cấp ruộng tự điền và phu coi mả như cha mình. 4. Thống suất đạo Lưu Đồn Trương Phúc Cương Ngài là thứ nam của Phấn Vũ Hầu Trương Phúc Phấn và thuộc đời thứ 4, làm đến chức Chưởng cơ, Thống suất đạo Lưu Đồn. Do có công lớn trong trận chiến cuối cùng chống Trịnh trên đất Quảng Bình (1672) nên đã được Liệt truyện chép: “Thái tông hoàng đế năm thứ 24 (1672), quân Trịnh kéo đại binh vào lấn cướp. Để chống giặc, chúa cho Hoàng tử Hiệp làm nguyên súy, Cương làm tiền phong, đóng đồn ở Phù Chính. Mùa thu tháng 7, Hiệp đến nơi, chia sai các tướng giữ nơi yếu hại, Cương giữ lấy Trấn Ninh. Giặc vây gấp, Cương cùng Nguyễn Hữu Dật hết sức cố giữ. Giặc đánh hàng tháng không hạ được, bèn rút lui. Cương vì có công được phong Nội hữu Chưởng cơ, rồi lên Thống suất đạo Lưu đồn. Anh tông lên ngôi chúa, thăng Cương làm Chưởng doanh. Năm thứ 2 (1688), triệu về trấn thủ Cựu doanh rồi Cương chết”. 5. Thượng tướng quân Trương Phúc Thức Ngài thuộc đời thứ 5, là con thứ 6 của Hùng Lộc Hầu Truơng Phúc Hùng, làm quan đến chức Chánh doanh cai cơ. Ông được Chúa Nguyễn cử làm Nguyên soái chống quân Trịnh ở lũy Trấn Nhân. Vào năm Hiển Tông Hoàng Đế thứ 24 (1627), ông được điều ra làm Trấn thủ doanh Bố Chính, rồi đổi làm Trấn thủ Quảng Bình. Sau đó ông vào chính dinh Phú Xuân làm hữu phó Đô đốc Quận Công. Chúa Nguyễn đã cho lấy lỵ sở Quảng Bình làm nhà thờ Họ Trương để tỏ lòng yêu quý một danh gia vọng tộc. Ông thọ 84 tuổi, được ban tự điền, được truy tăng Tán trị công thần đặc tiến khai phủ phụ quốc Thượng tướng công, Cẩm y vệ Chưởng phủ sự, Tả đô đốc Thức quận công. Hiện nay ở chùa Giác Hoàng, xã Phong Hiền, Huyện Phong Điền, tỉnh Thừa thiên Huế còn có di tích. II/ Danh tướng Trương Phúc Phan – người mở đầu trang sử bảo vệ chủ quyền biển đảo phương Nam Tổ quốc Thái Bảo Phan Quốc Công Trương Phúc Phan (đời thứ 5) là con của Nội hữu Chưởng cơ, Thống suất đạo Lưu Đồn Trương Phúc Cương. Ông được chúa Nguyễn Phúc Thái (Trăn) đặc biệt tin dùng, gả con gái thứ ba là công chúa Ngọc Nhiễm(Tống Sơn quận công Thục phu nhân). Năm 1700, đại thần Nguyễn Hữu Cảnh mất, Trương Phúc Phan được chúa Nguyễn Phúc Chu giao chức Trấn thủ dinh Trấn Biên. Dinh Trấn Biên và huyện Phước Long ở phía Đông sông Sài Gòn quản lý một vùng rộng lớn bao gồm Đồng Nai, Bình Dương, Bình Phước, Bà Rịa - Vũng Tàu ngày nay. Dinh Trấn Biên là địa bàn cửa ngõ mở lối cho đoàn quân Nam tiến dọc theo dải ven biển nhanh chóng làm chủ toàn bộ đất Hà Tiên để tiến sâu vào trung tâm đồng bằng sông Cửu Long, đồng thời vươn ra chiếm lĩnh các đảo, quần đảo phía nam biển Đông và vịnh Thái Lan. Trấn thủ dinh Trấn Biên, Trương Phúc Phan tiếp tục sự nghiệp của Nguyễn Hữu Cảnh chiêu tập dân vào Nam khai hoang mở đất, tổ chức các đơn vị hành chính, xây dựng bộ máy, xác lập chủ quyền lãnh thổ vùng đất Nam bộ. Đồng thời tiến hành cuộc đấu tranh bảo vệ sự toàn vẹn của chủ quyền lãnh thổ mà tiêu biểu là chiến công đánh đuổi quân Anh ra khỏi đảo Côn Lôn (Côn Đảo) trong những năm đầu thế kỷ XVIII. Tháng 8 năm 1702, Công ty Đông Ấn (East India Company) của Anh do Nhất ban Tô Thích Già Thi (Allen Catchpole) chỉ huy 8 chiến thuyền với hơn 200 lính ngang nhiên đổ quân lên Côn Lôn xây pháo đài, dựng cột cờ chủ trương chiếm đảo lâu dài. Theo sách Đại nam thực lục tiền biên, quân Anh lúc đó đã "kết lập trại sách, của cải chứa đầy như núi, bốn mặt đều đặt đại bác". Trước tình hình đó, Trương Phúc Phan báo tin về chúa Nguyễn Phúc Chu, "Chúa sai Phúc Phan tìm cách trừ bọn ấy". Trương Phúc Phan cho tuyển mộ được 15 người Chà Và (người có gốc từ đảo Malacca, Malayxia) sinh sống ở dinh Trấn Biên làm kế giả hàng, ra Côn Lôn làm thuê cho quân Anh để ngầm điều tra. Nhân lúc quân Anh sơ hở, nửa đêm đội quân người Chà Và của Trương Phúc Phan nổi lửa phóng hỏa thiêu trụi doanh trại, giết chết số sĩ quan chỉ huy Nhất ban, Nhị ban, một số bị bắt đưa về đất liền, một số theo đường biển trốn thoát. Trương Phúc Phan được tin báo sai binh thuyền ra Côn Lôn tiếp ứng, thu hết của cải, vũ khí của quân Anh, giành lại Côn Lôn. Tiếp đó, Trương Phúc Phan cho tổ chức lại lực lượng bảo vệ chủ quyền biển đảo theo phương thức nửa dân sự, nửa quân sự: "Dân tự kết lại làm binh sĩ, gọi là Tiệp Nhất, Tiệp Nhị, Tiệp Ba đội trực thuộc đạo Cần Giờ, có đủ khí giới để giữ lấy đất ấy phòng quân cướp hung dữ Đồ Bàn, không cần kêu gọi chỗ khác đến cứu giúp. Dân lính ở đây thường lấy yến sào, đồi mồi, vích, quế hương, mắm, ốc tai tượng, rồi theo mùa mà dâng nộp; còn lại thì đánh bắt hải sản như cá tôm để sinh sống..." (Gia Định thành thông chí) Dưới thời Trấn thủ dinh Trấn Biên Trương Phúc Phan sự kết hợp quân - dân tổ chức khá chặt chẽ "có lính để phòng thủ, có ruộng để cấy cày, giặc biển không dám lại đến, thuyền buôn ngày một đông nhiều, sau vài năm tất thành nơi vui vẻ, mà việc phòng giữ mặt biển bền vững " (Đại Nam thực lục) khiến cho nhiều lần người Anh âm mưu chiếm lại Côn Lôn đều thất bại.. Trương Phúc Phan mất, chúa Nguyễn phong tặng ông là Thái bảo Phan Quốc công. Để ghi nhớ công lao, sự ngiệp của vị tướng mở đầu trang sử bảo vệ chủ quyền biển đảo phía Nam của Tổ quốc, ngày nay một số đường phố ở thành phố Hồ Chí Minh, Bà Rịa - Vũng Tàu, và một số thành phố, thị xã ở Nam Bộ được đặt tên Trương Phúc Phan.
Kinh Bắc biên soạn (Theo gia phả và một số sử liệu) |
COMMENTS
Chức năng này cần phải đăng nhập
THÔNG TIN ĐÁNG CHÚ Ý
ĐĂNG NHẬP THÀNH VIÊN ok
THƯ VIỆN VIDEO
THƯ VIỆN HÌNH ẢNH
THƯ VIỆN TÀI LIỆU
LỊCH ÂM DƯƠNG