site hit counter
HỘI ĐỒNG HỌ TRƯƠNG VIỆT NAM
Nhà thờ tộc Trương Văn Đại tôn xã Diễn Trường, Diễn Châu, Nghệ An đã được xếp hạng di tích lịch sử
24/04/2024 Tác giả: Lượt xem: 1939
(Các bài viết khác của tác giả )
Nhà thờ Trương Văn Đại tôn làng Ngọc Bội, tổng Hoàng Trường, phủ Diễn Châu, nay là xã Diễn Trường, huyện Diễn Châu, tỉnh Nghệ An đã được Ủy ban Nhân dân tỉnh Nghệ An ra Quyết định số 4725/QĐ-UBND công nhận và xếp hạng là di tích lịch sử.
Đảng ủy, Chính quyền, Nhân dân xã Diễn Trường, các cơ quan chức năng của Tỉnh Nghệ An và Huyện Diễn Châu, cùng con cháu TRƯƠNG VĂN ĐẠI TÔN sẽ tổ chức Lễ Đón nhận bằng DI TÍCH LỊCH SỬ vào lúc 7 giờ sáng Chủ Nhật ngày 15 tháng 12 năm 2013 (tức ngày 13 tháng 11 năm Quý Tỵ) tại Nhà Thờ Họ. Chúc mưng sự kiện này, BBT website: truongtoc.vn xin giơí thiêụ bài viêt vê di tích và môt sô nhân vât lịch sư tiêu biêủ của tôc  họ để mọi ngươì cùng tham cưú  Di tích tọa lạc tại Xóm 12, xã Diễn Trường, huyện Diễn Châu, tỉnh Nghệ An.

* Nơi lưu dấu vàng son
Nhà thờ tộc Trương Văn đại tôn thuộc xóm 12 xã Diễn Trường, huyện Diễn Châu, ngoảnh mặt về hướng Tây Bắc, nằm trên một khuôn viên khá rộng rãi, thoáng mát với tổng diện tích 640m2. Cảnh quan của di tích khá đẹp với phía trước mặt là ruộng đồng tươi tốt. Xét về mặt phong thuỷ rộng thì minh đường là dòng sông Bùng trong xanh đã đi vào thi ca của bao lớp thi sĩ Diễn Châu, sau lưng có dãy núi Hung làm điểm tựa.
Xét theo vị trí gần, di tích được bao bọc bởi các nhà dân và đường làng. Xa hơn chút nữa, khoảng 500m về phía Bắc của di tích là đền thờ Hồ Hán Thương, phía Nam, cách 300m là đình Long Ân, cơ sở cách mạng năm 1030 - 1931 đã được Nhà nước xếp hạng cấp quốc gia, những di tích có giá trị lịch sử, văn hoá đã được Nhà nước xếp hạng. Không chỉ đẹp về mặt phong thuỷ mà  Nhà thờ họ Trương Văn đại tôn còn nằm trong một vùng đất giàu truyền thống văn hoá, yêu nước và cách mạng.
 Di tích luôn ở nguyên vị trí ban đầu, dù trải qua nhiêù thời đại, tên địa danh đã nhiều lần thay đổi.
Thời Hậu Lê, di tích thuộc làng Ngọc Bội, xã Hoàng Trường, tổng Hoàng Trường, huyện Đông Thành, phủ Diễn Châu, tỉnh Nghệ An.
Thời Nguyễn, di tích thuộc xóm Cửa, làng Ngọc Bội, xã Hoàng Trường, tổng Hoàng Trường, huyện Đông Thành, phủ Diễn Châu, tỉnh Nghệ An.
Năm 1945, làng Ngọc Bội và Long Ân lập thành xã Long Ngọc, di tích ở làng Ngọc Bội, xã Long Ngọc, tổng Hoàng Trường, phủ Diễn Châu, tỉnh Nghệ An.
Năm 1948 hai xã Long Ngọc và Tam Kỳ thành xã Hợp Tiến, phủ Diễn Châu đổi thành huyện Diễn Châu. Di tích thuộc làng Ngọc Bội, xã Hợp Tiến, tổng Hoàng Trường, huyện Diễn Châu, tỉnh Nghệ An.
Năm 1950 làng Ngọc Bội gọi là xóm Yên Thịnh, xã Hợp Tiến gọi là xã Hùng Châu, di tích ở xóm Yên Thịnh, xã Hùng Châu, huyện Diễn Châu, tỉnh Nghệ An.
Năm 1954 xã Hùng Châu chia ra 4 xã: Diễn Trường, Diễn Hoàng, Diễn Hùng, Diễn Đoài. Di tích ở Yên Thịnh, xã Diễn Trường, huyện Diễn Châu, tỉnh Nghệ An.
Từ năm 1958 - 1968, sau khi hợp tác xã được thành lập, xã Diễn Trường có ba hợp tác xã: Quyết Thắng, Đội Cung, Trường Thành, di tích thuộc làng Yên Thịnh, hợp tác xã Đội Cung, xã Diễn Trường, huyện Diễn Châu, tỉnh Nghệ An.
Từ năm 1969 đến năm 1995, sau khi hợp tác xã toàn xã thành lập, xóm Yên Thịnh gọi là Đội 12 từ đó di tích thuộc Đội 12, xã Diễn Trường, huyện Diễn Châu, tỉnh Nghệ An.
Từ năm 1995 đến nay, xóm được tái lập, Đội 12 đổi thành xóm 12, từ đó di tích thuộc Xóm 12, xã Diễn Trường, huyện Diễn Châu, tỉnh Nghệ An.
   Căn cứ vào các nguồn tư liệu bằng chữ Hán như gia phả, văn cúng và lời kể của các cụ cao niên trong họ thì Nhà thờ Trương Văn đại tôn được xây dựng năm Đinh Hợi (1767), bố cục kiểu chữ Khẩu () gồm các công trình: cổng, 2 toà bái đường và hậu đường,  tả vu, hữu vu,  sân vườn.
Đến thời Nguyễn, con cháu trong  họ đóng góp tiền của, công sức để tu sửa thay thế một sô cột, hoành, rui bản bị mối mọt, lợp lại toàn bộ ngói âm dương.
Năm 1885 nhà thờ bị Thực dân Pháp đốt phá, cổng tam quan bị sụp đổ hoàn toàn.
Năm 1931, nhà thờ một lần nữa lại bị Thực dân Pháp kéo quân đến đốt phá hoành phi, câu đối, các sắc phong…
Nhà thờ hiện giữ được hai toà tương đối nguyên vẹn với kiến trúc thời Nguyễn. Bố cục hài hoà, hợp lý, khung nhà được làm bằng gỗ với kết cấu vì kèo truyền thống vững chắc phù hợp với khí hậu khắc nghiệt, nắng lắm, mưa nhiều của xứ Nghệ. Dù khung nhà không chú trọng chạm khắc nhưng vẫn toát lên nét mềm mại ở các cấu kiện gỗ nhờ kỹ thuật bào trơn soi chỉ và điểm xuyết những cánh hoa, vân mây cách điệu.
Tại nhà thờ còn lưu giữ được nhiều hiện vật cổ như khám thờ, lư hương đá, hộp sắc, chiêng…là những hiện vật không chỉ có giá trị cho việc nghiên cứu lịch sử mà còn có giá trị trong việc giúp hậu thế đánh giá, nhìn nhận phong cách thể hiện.

  *Một địa chỉ  đỏ  của Cách mạng
   Trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, Nhà thờ Trương Văn là một trong các địa điểm chứng kiến, ghi dấu nhiều sự kiện lịch sử quan trọng của địa phương.
Theo lời kể của các cụ cao niên tại địa phương và một số vật chứng còn lưu giữ được tại nhà thờ: cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX nhân dân tổng Hoàng Trường nói chung và nhân dân làng Ngọc Bội nói riêng, hàng loạt người con ưu tú đi theo tiếng gọi của phong trào Văn Thân, Cần Vương chống Pháp cùng vơi 30 nghĩa binh do ông Trương Đẩu (Quản Đợu) đứng đầu cùng các ông Chu Vi, Tô Miên, Trương Từ, Trương Sự, Trương Thoại đã chọn khu vực Nhà thờ họ Trương Văn để làm xưởng đúc, rèn vũ khí và chiêu quân đánh giặc.
Để giảm bớt sự chú ý của đồn lính khố xanh đóng ở xóm Đồng, xã Hoàng Trường (nay là xóm 8, xã Diễn Trường), các ông đã tổ chức đánh vào các địa danh mà bọn địch đóng quân như Cồn Điếm, Đường Ngang, Rục Đen (nay thuộc Diễn Trường) nhằm phân tán lực lượng địch để bảo vệ xóm làng, bảo vệ nhà thờ và nghĩa binh đang hoạt động. Cuộc khởi nghĩa Văn Thân thất bại, ông Quản Đợu ( Trương Đẩu) bị giết, một số nghĩa binh bị tù đày, nhà thờ cũng bị giặc đốt phá (cổng bị phá hủy hoàn toàn), cướp đi một số đồ tế khí như sắc phong, chuông đồng...
 Từ khi chi bộ Đông Dương Cộng sản Đảng được thành lập, các buổi sinh hoạt hội họp của Đảng thường diễn ra ở đình Long Ân, Nhà thờ họ Trương Văn, nhà thờ họ Chu Tự.
Dưới sự lãnh đạo trực tiếp của Huyện uỷ, ngày 28/4/1930 chi bộ Đông Dương Cộng sản đảng Hoàng Trường tuyên bố chuyển sang chi bộ Đảng Cộng sản Việt Nam, chi bộ đã phát triển và phát triển thêm một số đảng viên, trong đó tộc Trương Văn có 5 đảng viên (Trương Châu, Trương Nghiệm, Trương Oanh, Trương Ninh, Trương Đợi). Thời gian này chi bộ đảng Hoàng Trường đã lấy Nhà thờ  Trương Văn để làm nơi hoạt động bí mật do nhà thờ vừa kín đáo vừa rộng rãi, xung quanh cây cối um tùm, phía Đông, phía Tây là ruộng sâu, lầy lội, phía Bắc là những cồn hoang, có nhiều cây dứa dại và cây cao, phía Nam nhà thờ là nhà ở của con cháu họ Trương Văn. Với địa thế đó Nhà thờ họ Trương Văn trở thành nơi hội họp trao đổi công việc những khi cần thiết, chi bộ đảng đã cử ông Chu Hiến và ông Trương Thịnh làm nhiệm vụ canh gác bảo vệ cho Đảng hoạt động tại nhà thờ.
Ngày 4/11/1930 đồng chí Hồ Nhiếp được triệu tập lên huyện họp bàn kế hoạch tổ chức biểu tình lần thứ 2 với quy mô toàn huyện để hưởng ứng kỷ niệm cách mạng tháng Mười Nga. Hội nghị thống nhất lấy tiếng trống đình Long Ân làm hiệu lệnh. Tiếp thu chủ trương, đồng chí Hồ Nhiếp tổ chức cuộc họp Tổng uỷ tại Nhà thờ  Trương Văn để triển khai việc làm cụ thể, lo sắm vũ khí và vận động quần chúng nhân dân tham gia cuộc biểu tình, một số đồng chí được giao nhiệm vụ đi rải truyền đơn, treo cờ, diễn thuyết.
Đầu năm 1931, chi bộ B (do đồng chí Hồ Xiển làm Bí thư) đã triệu tập một cuộc họp tại Nhà thờ họ Trương Văn để bàn việc xây dựng các tổ chức quần chúng như Nông hội đỏ, Tự vệ đỏ, Thanh niên Cộng sản đoàn, Cứu tế đỏ. Ngoài ra, ở thời gian này đình Long Ân, Nhà thờ họ Trương Văn, nhà thờ họ Chu Tự là những địa điểm học chữ quốc ngữ và địa điểm luyện tập của đội Tự vệ.
Trước phong trào cách mạng lên cao như vậy, bọn địch vô cùng hoảng sợ, chúng lập thêm đồn bốt, tập trung quân, lập điếm canh để đàn áp khủng bố, vây bắt Phủ uỷ Diễn Châu. Tháng 6/1931, Phủ uỷ dời ra tổng Hoàng Trường để tiếp tục chỉ đạo phong trào. Cơ quan Phủ uỷ dời ra Hoàng Trường cũng là lúc Huyện uỷ Quỳnh Lưu gặp khó khăn nên cùng dời cơ quan vào đây phối hợp với Phủ uỷ Diễn Châu để chỉ đạo phong trào 2 huyện. Trong hoàn cảnh khó khăn, các cán bộ cốt cán của Phủ uỷ Diễn Châu và Huyện uỷ Quỳnh Lưu cũng bí mật về Nhà thờ họ Trương Văn để gây dựng lại tổ chức. Thời kỳ này, ông Hồ Viết Thắng (tức Hồ Sỹ Kháng), người làng Quỳnh Đôi, nguyên uỷ viên Ban chấp hành Huyện uỷ Diễn Châu thời kỳ 1930 - 1931 và bà Hồ Thị Mai (tức Mai Thị Đát), người làng Ngoạ Trường, Quỳnh Diễn, Quỳnh Lưu vẫn thường xuyên về Nhà thờ họ Trương Văn để chỉ đạo phong trào đấu tranh
Sau một thời gian các cơ quan, tổ chức hoạt động tại Nhà thờ họ Trương Văn, bọn mật thám đã đánh hơi được. Tên mật thám Hồ Trợi đã dẫn người của giặc Pháp lùng sục, vây bắt cán bộ và tìm kiếm tài liệu nhưng nhờ quần chúng báo tin kịp thời nên chúng không bắt được ai và cũng không tìm được gì. Chúng điên cuồng châm lửa đốt nhà thờ làm cháy một số cấu kiện gỗ như cột, rui, mè.. và bắt ông Trương Thạc, trưởng tộc về phủ Diễn Châu để tra tấn nhưng không khai thác được gì nên chúng phải thả ông về. Sau 10 ngày ông bị chết. Hiện nay tại nhà thờ vẫn còn lưu giữ một khúc cột gỗ bị cháy, chứng tích của cuộc đốt phá nhà thờ trong phong trào 1930 - 1931.
Năm 1932 - 1937 phong trào của quần chúng nhân dân tạm lắng. Một số cán bộ đảng viên được địch tha về đã tìm cách phục hồi lực lượng cách mạng, đồng chí Chu Huệ đã vượt ngục trở về hoạt động củng cố lại chi bộ Hoàng Trường. Lúc này, Nhà thờ họ Trương Văn trở thành nơi hội họp nhằm gây dựng phong trào cơ sở Đảng của chi bộ Hoàng Trường.
Cách mạng tháng Tám (8/1945) thành công, Đảng và Chính phủ ra lời kêu gọi mua công trái xây dựng và bảo vệ tổ quốc,  tôc Trương Văn đã bán 3 sào ruộng tế điền của nhà thờ để mua công trái vào năm 1946 - 1947. Năm 1948 thực hiện lời kêu gọi của Đảng và Chính phủ về việc đóng góp Tuần lễ Đồng, lúc này lãnh đạo tổng Hoàng Trường xuống tận cơ sở dòng họ để động viên nhân dân quyên góp mâm, thau, nồi đồng để Nhà nước rèn đúc vũ khí, đạn dược phục vụ chiến đấu, nhà thờ đã cống hiến 3 bộ ngũ sự, chiêng đồng.
Năm 1949 Nhà thờ Trương Văn đã hiến cho bộ đội địa phương 4 sào 12 thước ruộng tế điền, nhà thờ được Uỷ ban kháng chiến tặng ảnh Bác Hồ.
Năm 1954 - 1955 đội Cải cách ruộng đất đã lấy nhà thờ làm trụ sở hội họp.
Năm 1958 - 1960 nhà thờ được dùng làm lớp học Bình dân học vụ.
Năm 1967 - 1968 Đoàn giao thông vận tải Quân khu IV đóng tại nhà thờ. Đặc biệt tháng 10 năm 1968, đại hội giao thông vận tải của tỉnh đoàn Nghệ An được tổ chức tại Nhà thờ họ Trương Văn có Chính uỷ Tư lệnh trưởng Quân khu IV, Thiếu tướng Lê Quang Hoà về dự và nói chuyện.
Những năm 1964-1966 và 1969 - 1972 được sự giúp đỡ của tôc họ nhằm tránh tổn thất cho học sinh và thầy giáo trường cấp 1,2 xã Diễn Trường đã dời về nhà thờ trở thành ngôi trường che chở cho thầy và trò yên tâm học tập
Năm 2008, Nhà thờ họ Trương Văn đại tôn được UBND tỉnh Nghệ An tặng bằng khen tại Quyết định số 454/QĐ-UBND.TĐ ngày 04 tháng 02 năm 2008 nhờ có công trong cuộc kháng chiến chống Pháp.
 
* Ngày càng toả rạng
Nhà thờ họ Trương Văn đại tôn là nơi sinh hoạt văn hóa tâm linh.Tại di tích hàng năm diễn ra nhiều kỳ lễ trọng mang tính truyền thống vừa là dịp để tri ân tổ tiên và những người có công với nước được các triều đại phong kiến ghi nhận và lưu danh sử sách. Và cũng nơi cố kết tình cảm của những người con trong dòng họ. Tại đây hàng năm diễn ra nhiều kỳ lễ trọng, tiêu biểu là:
- Lễ Tế tổ rằm tháng Giêng
- Đại Lễ giỗ rằm tháng Mười một
Hai kỳ lễ được tổ chức quy mô lớn (tiến hành trong 2 ngày với các phần: Lễ Khai quang, Lễ Mộc dục, Lễ Yên vị, Lễ Đại tế, Lễ tạ) thu hút đông đảo con cháu về dự lễ. Chính việc giữ gìn và phát huy những nghi thức tế lễ tại di tích của dòng họ đang góp phần không nhỏ vào việc bảo tồn các giá trị mang tính truyền thống, rất đặc trưng trong sinh hoạt văn hoá tâm linh tại địa phương nói riêng và xứ Nghệ nói chung.
   Năm 2005, con cháu đã đóng góp để trùng tu lại nhà thờ với các hạng mục như đảo ngói 2 nhà, thay một số ngói và cấu kiện gỗ bị hư hỏng, xây lại cổng ở vị trí cũ, dựng thêm 2 nhà tả, hữu vu. Đặc biệt phục dựng lại cổng trên vị trí năm xưa, theo kiểu chồng diêm với chất liệu gạch chỉ, vữa tam hợp, giới hạn bởi 6 cột trụ vuông cao 4,5m, lòng rộng 2,25m. Chồng diêm gồm 2 mái lợp ngói vảy, tầng trên như một chiếc lầu trổ 4 cửa. Trên bờ nóc của lầu trang trí đề tài “Lưỡng long chầu nhật” bằng chất liệu vôi vữa và dát những mảnh sứ nhỏ làm vảy rồng cho “lưỡng long” thêm sinh động. Ở các góc mái phía trước đặt 2 con nghê, góc mái phía sau là hai con rồng chầu vào.
Hiện nay, nhà thờ ở trên một khuôn viên rộng 840m2, vị trí đẹp, thoáng đãng. Nhờ sự quan tâm bảo vệ chu đáo của con cháu trong dòng tộc, khuôn viên của nhà thờ ngày càng khang trang, sạch đẹp.Hiện nay, công tác phát huy di tích tại nhà thờ ngày càng được chú trọng, trở thành điểm đến cho con cháu trong dòng họ. Mặt khác, nhà thờ ở vào vị trí khá thuận lợi, gần với nhiều di tích trên địa bàn như đình Long Ân, nhà thờ họ Chu, đình Tám Mái... tạo thành một hệ thống di tích rất thuận lợi cho việc tham quan nghiên cứu.
                            

                                                                 Phạm Thị Loan - Ngô Thị Lâm
                                          (Ban Quản lý  di tích  - Danh thắng - Sở  Văn hoá  Nghệ An) 
COMMENTS
Chức năng này cần phải đăng nhập