site hit counter
HỘI ĐỒNG HỌ TRƯƠNG VIỆT NAM
Các nhân vật tiêu biểu của tộc Trương Văn xã Diễn Trường, Diễn Châu, Nghệ An
25/04/2024 Tác giả: Lượt xem: 1216
(Các bài viết khác của tác giả )
Nhà thờ Trương Văn Đại Tôn được xây dựng lên để thờ vị Khởi tổ cùng các tiên tổ của tộc họ, trong đó có rất nhiều người có công với dân, với nước, tiêu biểu là các nhân vật sau:
1. Khởi tổ Trương Thanh Hòa - “Tướng sỹ lang y” thời Lê sơ
Theo gia phả và văn cúng bằng chữ Hán còn lưu giữ tại nhà thờ, Khởi tổ dòng họ Trương Văn là Trương Thanh Hòa, hiệu Nhất Lang (không rõ năm sinh, năm mất). Tổ tiên của Cụ vốn quê gốc ở Triết Giang (Bách Việt xưa). Cụ sinh ra và lớn lên tại xã Xuân Non, huyện Lương Tài, tỉnh Bắc Ninh (nay là xã Xuân Lai, huyện Gia Bình, tỉnh Bắc Ninh). Sau này, Cụ mới vào Nghệ An định cư.
Cụ Trương Thanh Hòa sinh ra khoảng cuối thời Trần, trước đời Hồ. Thủa nhỏ, Cụ là người thông minh, đĩnh ngộ, sớm thể hiện tài năng y thuật. Gia phả chép rằng: gia đình cụ nhiều đời làm thầy thuốc, vào đầu thế kỷ thứ XV, cụ vào tổng Hoàng Trường, huyện Đông Thành, phủ Diễn Châu, tỉnh Nghệ An làm nghề thầy thuốc chữa bệnh cho dân. Trong thời kỳ này, vùng Nghệ An bị dịch sốt và dịch tả hoành hành, trong các xóm làng đâu đâu cũng có người bệnh, nhiều cái chết thương tâm xảy ra. Giữa lúc nguy kịch đó, Cụ đã ra tay cứu chữa cho dân như cấp thuốc, làm bùa để chữa bệnh, dịch bệnh được đẩy lùi. Trong khi chữa bệnh cụ luôn lấy chữ Nhân, chữ Đức làm đầu, không cầu kỳ, tốn kém tiền bạc và gây phiền hà khó khăn cho dân. Ngoài ra cụ còn đi đến các vùng xa để chữa bệnh, y đức của cụ được nhiều người mến phục, tin theo.
Trong khi Nghĩa quân Lam Sơn đang vây thành Trài đánh giặc Minh. Cụ Khởi Tổ họ Trương đã chủ động tìm gặp hai vị tướng chỉ huy là Đinh Lễ, Đinh Liệt tình nguyện đi theo chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe, trị thương cho Nghĩa quân. Từ đó, tử thương do các cuộc giao tranh với giặc Minh giảm hẳn, Nghĩa quân được chăm sóc sức khoẻ nên càng yên tâm chiến đấu. Những việc làm của Cụ đã góp phần vào thắng lợi chung ở thành Trài. Do có công lao trong cuộc Khởi nghĩa chống quân Minh, Cụ được Lê Lợi phong chức “Tướng sỹ lang y”.
Sau chiến thắng quân Minh, Lê Lợi có mời Cụ ra làm quan, nhưng Cụ cáo từ, xin về quê nhà làm nghề thầy thuốc, chữa bệnh cho dân. Tuổi cao sức yếu, Cụ qua đời, người con trai độc nhất là Trương Lão Ngộ lập bàn thờ để thờ Cụ.
Đến năm 1767, dòng họ Trương Văn xây dựng nhà thờ họ rước long ngai, bài vị từ nhà con trưởng về Nhà thờ họ Trương Văn đại tôn để thờ phụng.


2. Trương Diện Phái - tướng quân trong Cẩm Y vệ thời L ê - Trịnh 
Cụ là hậu duệ đời thứ 8 của dòng họ Trương Văn đại tôn, hiệu Đạo Thông Bội y Tiên sinh. Ông sinh năm Bính Tuất (1706) trong một gia đình nhiều đời làm nghề thầy thuốc tại làng Ngọc Bội, tổng Hoàng Trường, huyện Đông Thành, phủ Diễn Châu, tỉnh Nghệ An (nay là xã Diễn Trường, huyện Diễn Châu, tỉnh Nghệ An). Cha là Trương Phúc Diên, mẹ là Chu Thị Ngạn - một người phụ nữ hiền lành, đôn hậu, cần cù trong công việc gia đình, chăm lo nuôi dạy con cái trưởng thành. Thủa nhỏ, Cụ theo cha đi chữa bệnh nhiều nơi trong huyện, lớn lên vào lúc chế độ phong kiến Đàng Ngoài đã bắt đầu khủng hoảng, nhiều cuộc khởi nghĩa nổ ra, vùng đất xứ Nghệ luôn bị tàn phá khiến cuộc sống nhân dân điêu đứng, khổ sở. Vốn người khoẻ mạnh, thông minh, khi đến tuổi trưởng thành, Cụ tham gia quân đội của nhà Lê và lập được nhiều chiến công trong các cuộc Nam tiến mở rộng lãnh thổ của vua Lê - chúa Trịnh nên được triều đình trọng dụng, sắc phong làm tướng quân trong vệ Cẩm Y, chỉ huy trực tiếp ty Thiêm Sự và được ban tước Văn Cảnh Bá, là tước thứ 4 trong 6 tước của chế độ phong kiến phong tặng những người lập được nhiều công lớn.
Cụ là một vị tướng có tài thao lược, nhưng lúc bấy giờ thời buổi rối rem, quan trường loạn lạc. Trước thời cuộc như vậy, Cụ cáo quan về quê làm nghề thầy thuốc chữa bệnh cho dân. Tuổi cao sức yếu, Cụ mất tại quê nhà (gia phả không ghi rõ ngày tháng, năm, mất). Thi hài được an táng tại xứ Đồng Dù, làng Mỹ Quan (nay là xã Diễn Yên). Năm 1969 con cháu cát táng quy tập hài cốt vào khu lăng mộ của dòng họ ở nghĩa trang xứ Mồ Ngái, làng Kỳ Ngãi (nay là xã Diễn Trường).

3. Cụ bà Trần Thị Lan được triều đình nhà Nguyễn ban sắc “Tiết hạnh khả phong”
Theo lời kể của các cụ cao niên ở địa phương: cụ Trần Thị Lan (không rõ năm sinh, năm mất) sinh ra trong một gia đình nông dân tại làng Cao Hậu Đông, tổng Hoàng Trường, huyện Đông Thành, phủ Diễn Châu (nay là xã Quỳnh Giang, huyện Quỳnh Lưu).
Từ nhỏ bà được cha mẹ nuôi dạy chu đáo, giáo dục “công, dung, ngôn, hạnh”. Năm 17 tuổi, bà kết duyên cùng ông Trương Văn Tuyển - một thư sinh, người làng Ngọc Bội, tổng Hoàng Trường, huyện Đông Thành, phủ Diễn Châu. 5 năm sống hạnh phúc bên chồng, bà sinh được hai người con gái. Trong lúc hạnh phúc đang mặn nồng thì chồng bà đột ngột qua đời, để lại cho người vợ trẻ lúc đó mới 22 tuổi một nách hai đứa con thơ dại. Sau khi lo mồ yên mả đẹp cho chồng, bà một mực thủ tiết, thờ chồng, ngày ngày tần tảo đồng áng chăm lo cho bố mẹ chồng và nuôi dạy con thơ. Nhiều người, trong đó có cha mẹ chồng thấy con dâu còn trẻ mà đã phải sớm hôm quạnh quẽ một mình, ông bà thương con dâu khuyên bà đi bước nữa nhưng bà nhất quyết ở vậy nuôi con, thay chồng báo hiếu cha mẹ. Bà dồn hết tình thương, trách nhiệm vào việc nuôi dạy hai con thơ đến lúc trưởng thành. Sự đoan trang, mẫu mực của người con dâu họ Trương Văn đã khiến nhiều người trong làng, ngoài xóm cảm động và nể phục.
Tháng 9 năm Khải Định thứ 10 (1925) cụ được triều đình “Tiết hạnh khả phong”. Nội dung như sau:
Phiên âm:
Tiết hạnh khả phong:
Sắc tứ: Trần Thị Lan, Nghệ An tỉnh, Diễn Châu phủ, Đông Thành huyện, Hoàng Trường tổng, Hoàng Trường xã, Ngọc Bội thôn, cố Trương Văn Tuyển chi thê, hữu tiết hạnh, danh văn dự tại thứ hạng, đặc tứ tinh thưởng dụng khuyến lai giả.
Khải Định thập niên cửu nguyệt cát nhật tạo.
Dịch nghĩa:
Tiết hạnh đáng noi theo
Sắc cho: Trần Thị Lan, thôn Ngọc Bội, xã Hoàng Trưởng, tổng Hoàng Trường phủ Diễn Châu, huyện Đông Thành, tỉnh Nghệ An. (Bà) vốn là vợ của ông Trương Văn Tuyển có tiết hạnh. Tên đã được dự vào thứ hạng, nên đặc biệt ban biển (ghi tên) để khuyên dạy người sau.
Làm vào ngày lành, tháng 9 năm Khải Định thứ 10 (1925).

4. Trương Châu -  Nhà lão thành cách mạng.
Ông là hậu duệ đời thứ 15), sinh năm 1900, xã Hoàng Trường, tổng Hoàng Trường, phủ Diễn Châu, huyện Đông Thành, tỉnh Nghệ An (nay là xã Diễn Trường, huyện Diễn Châu). Cha ông là Trương Xuân Hướng, một nông dân nghèo, mẹ là Nguyễn Thị Phan, một người phụ nữ nhanh nhẹn, tháo vát, biết lo toan, gánh vác việc gia đình và giáo dục con cái những đức tính tốt đẹp, yêu lao động, thương người. Tuy sinh ra trong một gia đình nghèo khó, nhưng ông vẫn được cha mẹ cho đi học. Lớn lên, ông chứng kiến cảnh người dân bị bóc lột nặng nề, bị đàn áp dã man. Lúc này, phong trào cách mạng phát triển mạnh đến huyện Diễn Châu. Ông tham gia hoạt động cách mạng trong tổ chức Thanh niên cách mạng đồng chí hội ở tổng Hoàng Trường. Năm 1927, ở tổng Hoàng Trường, nhiều nhóm thanh niên ra đời theo hình thức lập Trại cày tại Truông Kè (Yên Thành) do ông Võ Mai tổ chức. Ở Hoàng Trường có 3 ông tham gia: Trương Châu, Chu Đàm, Chu Trang. Tổ chức thanh niên hoạt động ngày càng có hiệu quả, tuyên truyền cách mạng vô sản, thúc đẩy phong trào đấu tranh của nhân dân trong vùng này.
Ngày 30/7/1929 đồng chí Nguyễn Phong Sắc - Bí thư Kỳ bộ cùng đồng chí Võ Mai được kỳ bộ cử về Diễn Châu liên lạc với Chu Trang ở Trại cày Trịnh Sơn (Mỹ Thành) để bàn việc củng cố phong trào và triển khai kế hoạch thành lập Đông Dương Cộng Sản Đảng ở Hoàng Trường. Tháng 9/1929 chi bộ Đông Dương Cộng Sản Đảng tổng Hoàng Trường được thành lập gồm 12 đảng viên. Ông Trương Châu là 1 trong 12 đảng viên đó.
Dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của chi bộ Đảng, phong trào đấu tranh cách mạng của quần chúng ngày càng dâng cao. Ngày 26/10/1930 Trương Châu tham gia cuộc biểu tình đầu tiên trên đất Hoàng Trường kéo lên phủ lỵ Diễn Châu biểu tình. Trên đường tiến về phủ lỵ, đoàn biểu tình bị một tốp lính khố xanh bắn xả làm nhiều người chết và bị thương, cuộc biểu tình phải giải tán để bảo toàn lực lượng. Ngày hôm sau 27/10/1930 ông cùng chi bộ Hoàng Trường họp Hội nghị mở rộng các làng tại cây giới làng Phú Yên (nay là xã Diễn Hoàng) để rút kinh nghiệm việc chỉ đạo biểu tình. Ngoài ra, ông còn tham gia nhiều cuộc mít tinh, diễn thuyết, tiêu biểu là cuộc mít tinh tại Cồn Trăn (xã Hoàng Trường). Các cuộc mít tinh đều có sự tham gia đông đảo của các tổ chức, đặc biệt là đội tự vệ đỏ đã làm tốt vai trò bảo vệ các cuộc biểu tình. Lúc bấy giờ, phong trào phát triển mạnh trên toàn tổng, một số đảng viên làm tổng, phủ tham gia lãnh đạo phong trào chung như Trương Châu, Hồ Nhiếp, Chu Huệ, Hồ Hùng là cán bộ trong Ban chấp hành Tổng uỷ
Ngày 7/11/1930 ông tham gia cuộc biểu tình kỷ niệm Cách mạng Tháng 10 Nga với quy mô toàn huyện. Sau cuộc biểu tình lần này, ông cùng quần chúng nhân dân Hoàng Trường còn tổ chức nhiều cuộc đấu tranh ở một số làng với mục đích tưởng nhớ những người bị giặc bắn giết trong ngày 7/11, tố cáo tội ác giặc Pháp và chính quyền tay sai, kêu gọi quần chúng nhân dân đoàn kết đấu tranh.
Phong trào đấu tranh của nhân dân càng lên cao, tổ chức Đảng và quần chúng được củng cố phát triển. Tháng 12/1930 được sự đồng ý của Phủ uỷ, tổ chức đảng tổng Hoàng Trường họp và quyết định chia ra 7 chi bộ trong toàn tổng, gồm 5 chi bộ chính thức và 2 chi bộ ghép. Đó là các chi bộ A, B, C,D,Đ, E và G, Ban chấp hành Tổng uỷ gồm 5 đồng chí do Chu Huệ làm Bí thư
Tháng 5/1931 Tổng uỷ Hoàng Trường được củng cố lại, ông Trương Châu giữ chức vụ Bí thư Ban chấp hành Tổng uỷ có nhiều chủ trương quan trọng nhằm củng cố các chi bộ, thành lập thêm một số tổ chức quần chúng như Nông hội đỏ, Tự vệ đỏ, Thanh niên Cộng sản đoàn, Hội Phụ nữ giải phóng, Hội Cứu tế đỏ…
Năm 1932 - 1936 ông và một số đảng viên còn sót lại ở địa phương ngày đêm tìm cách bắt liên lạc với cấp trên để tổ chức gây dựng lại phong trào.
Năm 1945 ông được bổ sung vào Ban khởi nghĩa tổng Hoàng Trường, Ban thống nhất ngày 17/8/1945 là giành chính quyền trong toàn tổng. Năm 1954 ông lâm bệnh hiểm nghèo và mất tại gia đình. Thi hài ông được an táng tại nghĩa trang dòng họ.
 Ông được Đảng và Nhà nước công nhận là cán bộ lão thành cách mạng.


 
5. Trương Nghiệm - một đảng viên suốt đờì vì quê  hương
 Ông là (hậu duệ đời thứ 15), sinh năm 1907, làng Ngọc Bội, xã Hoàng Trường, tổng Hoàng Trường, phủ Diễn Châu, huyện Đông Thành. Cha là Trương Tụng, mẹ là Trần Thị Thuýnh, một nông dân lao động. Gia đình tạo điều kiện cho ông ăn học tử tế. Sau khi đi học một thời gian, gia đình gặp nhiều khó khăn, ông phải nghỉ học để ở nhà làm ruộng phụ giúp gia đình. Lúc bấy giờ có phong trào Đông Du do Phan Bội Châu khởi xướng kêu gọi thanh niên xuất dương sang Xiêm hoạt động, đồng thời bắt nối với các đồng chí để xây dựng tổ chức ở trong nước.
Theo “Lịch sử Đảng bộ xã Diễn Trường 1930 - 2009” (NXB Chính trị hành chính): Tháng 9/1929 chi bộ Đông Dương Cộng sản đảng ở Hoàng Trường được thành lập gồm các đồng chí: Trương Nghiệm, Chu Trang, Chu Đàm, Hồ Nhiếp, Hồ Truyền, Hồ Xiển, Chu Huệ, Trương Châu, Hồ Hùng do ông Hồ Xiển làm bí thư.
Ngày 28/4/1930 dưới sự chỉ đạo của cấp trên Chi bộ đảng Cộng sản Hoàng Trường đổi tên thành chi bộ Đảng Cộng sản Việt Nam tổng Hoàng Trường gồm 12 đồng chí, ông Trương Nghiệm là một đảng viên trong chi bộ do đồng chí Chu Trang làm bí thư.
Dưới sự lãnh đạo của chi bộ Đảng, phong trào đấu tranh cách mạng càng dâng cao, ông Trương Nghiệm được chi bộ giao nhiệm vụ đi tuyên truyền đường lối cách mạng của Đảng trong quần chúng nhân dân. Nhờ vậy, đông đảo quần chúng nhân dân đã giác ngộ về cách mạng, sẵn sàng đấu tranh chống đế quốc.
Đầu năm 1931, Ban chấp hành Tổng uỷ có nhiều chủ trương quan trọng nhằm củng cố các chi bộ, thành lập thêm một số tổ chức quần chúng, toàn tổng có 57 tổ Nông hội đỏ với 727 hội viên, Tự vệ đỏ 22 tổ với 175 hội viên, ông Trương Nghiệm là một trong những tổ trưởng của 22 tổ đó.
Dưới sự lãnh đạo của Đảng, chính quyền cách mạng đã có kế hoạch trừng trị một số tên mật thám gian ác làm cho bọn chúng khiếp sợ, uy tín của Đảng ngày càng cao. Trước tình hình đó, bọn thực dân phong kiến ở phủ Diễn Châu đã tăng cường tổ chức nhiều lực lượng phản động đàn áp đẫm máu nhằm dập tắt phong trào cách mạng. Ở các làng, chúng đều lập đồn canh, điếm canh, phu đoàn để thực hiện chiến dịch khủng bố trắng. “Tại Khe San, 1 khu vực hiểm trở, kín đáo giáp ranh 3 huyện Yên Thành, Diễn Châu, Quỳnh Lưu, tổ chức Đảng đã lưu trú bí mật nơi đây để hoạt động nhưng bị kẻ xấu phát hiện và chỉ điểm ngày 26/4/1931 bọn giặc bất ngờ ập đến, một số chạy thoát, ông Trương Nghiệm, Hồ Nhiếp, Chu Truật, Vũ Đô đều bị bắt tại chỗ”, “Giải tất cả về đồn Bang Tá, làng Sừng (Yên Thành) tra tấn xét hỏi, không thu được kết quả gì, 3 ngày sau lại giải về giao cho đồn Diễn Châu, bọn chúng tra tấn suốt 3 ngày đêm nhưng không khai thác được gì, ông Trương Nghiệm và các đồng chí bị đưa đến giam tại nhà lao Vinh”.
Phát huy truyền thống vẻ vang của cha ông, dòng họ Trương Văn trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quôc Mỹ đã đóng góp cho  đất nước nhiều người con ưu tú. Theo thống kê của dòng họ, trong Kháng chiến chống Pháp, Mỹ, họ Trương Văn đại tôn có 200 người tham gia nhập ngũ. Trong đó có 20 người vĩnh viễn nằm lại chiến trường, 61 mang thương tật khi trở về, 2 bà mẹ được Nhà nước tặng danh hiệu “Bà mẹ Việt Nam anh hùng” và nhiều sỹ quan cao cấp trong lực lượng vũ trang nhân dân, nhiều người được công nhận là cán bộ lão thành Cách mạng.

Năm 1934, ông Trương Nghiệm được địch tha về. Sau đó, ông tìm cách móc nối với các đồng chí để phục hồi lại lực lượng cách mạng.
“Năm 1937 đồng chí Võ Giá (làng Hậu Luật, Diễn Bình) và Hồ Thị Hiệu tổ chức củng cố lại chi bộ Hoàng Trường gồm 6 đảng viên, ông Trương Nghiệm là một trong 6 đảng viên do bà Hồ Thị Hiệu làm Bí thư”.
“Năm 1941 chi bộ Đảng được thành lập lại gồm các đảng viên Hồ Kham, Hồ Phan, Trương Nghiệm, Chu Phương, Chu Thê, Chu Thừa do Hồ Thị Hiệu làm Bí thư”. Các tổ chức quần chúng yêu nước cũng được lập lại như Nông dân cứu quốc.
Năm 1945 - 1946 ông tham gia hoạt động cách mạng tại huyện Nghĩa Đàn.
Năm 1947 - 1972 ông hoạt động tại Thanh Hoá một thời gian ngắn rồi quay trở về địa phương tiếp tục hoạt động.
Năm 1989, tuổi cao, ông lâm bệnh nặng và mất tại quê nhà, an táng tại nghĩa trang  tộc  Trương Văn.

 
                                                                                      Kinh Bắc  biên sọan
                                     (theo Gia phả, tư liêụ tôc Trương Văn xã Diễn Trường (Diễn Châu - Nghệ An) 
 
COMMENTS
Chức năng này cần phải đăng nhập